Va chạm với chim có phải là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay Jeju Air ở Hàn Quốc?

Các chuyên hàng không đặt nhiều nghi vấn xung quanh giả thuyết va chạm với chim có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng Jeju Air ở Hàn Quốc.

Khả năng va chạm với chim khiến máy bay gặp nạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thảm họa mới đây liên quan tới chiếc máy bay của hãng Jeju Air của Hàn Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nghi ngờ liệu chim có phảo là "thủ phạm" duy nhất đứng đằng sau vụ tai nạn thảm khốc hay không.

Trang tin SCMP dẫn nguồn các chuyên gia trong ngành hàng không cho biết hôm 29/12 rằng còn nhiều điều không chắc chắn xuất hiện quanh vụ tai nạn máy bay đã làm 179 người thiệt mạng.

Cho tới nay vẫn có nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng như: máy bay không thể hạ bánh đáp, thời gian chiếc Boeing 737-800 với hai động cơ phải hạ cánh bằng bụng tại Sân bay Quốc tế Muan và các báo cáo về khả năng va chạm với chim.

Trong đoạn video được phát sóng trên phương tiện truyền thông địa phương, chiếc máy bay đã trượt trên đường băng mà không có bánh đáp nào được hạ xuống, trước khi đâm vào tường bê tông của đường băng và vỡ nát, bốc cháy.

Gregory Alegi, một chuyên gia trong ngành hàng không, cũng là cựu giảng viên của Học viện Không quân Italy cho biết: "Còn rất nhiều điều nghi vấn. Tại sao máy bay di chuyển nhanh như vậy? Tại sao các cánh tà của nó không mở ra? Tại sao bánh đáp không hạ xuống?”

Các nhà chức trách Hàn Quốc đang điều tra vụ tai nạn của Jeju Air, bao gồm xem xét tác động tiềm năng từ cú va chạm với chim cũng như yếu tố thời tiết.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Joo Jong-wan cho biết, chiều dài 2.800 mét của đường băng không phải là yếu tố góp phần gây ra sự cố và các bức tường bê tông ở hai đầu đường băng được xây dựng theo tiêu chuẩn của ngành.

Người phát ngôn của Jeju Air đã không lập tức phản hồi các câu hỏi. Jeju Air đã hạn chế phản hồi về nguyên nhân tai nạn trong suốt cuộc họp báo mới đây và cho biết hoạt động điều tra đang được tiến hành.

Christian Beckert, một chuyên gia an toàn bay và là phi công của hãng Lufthansa đánh giá đoạn video về vụ tai nạn cho thấy ngoài bộ đảo chiều ở động cơ, hầu hết các hệ thống phanh của máy bay đều không được kích hoạt, qua đó tạo ra một "vấn đề lớn" cũng như kết quả là máy bay hạ cánh với tốc độ nhanh. Beckert cho biết một vụ va chạm với chim dường như không thể phá hủy bánh đáp của máy bay trong hầu hết các trường hợp.

Còn theo biên tập viên Geoffrey Thomas của trang Airline News, "một vụ va chạm với chim không phải là điều bất thường, tương tự là việc máy bay gặp vấn đề với càng đáp." Thomas nói thêm rằng: "Va chạm với chim xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, nhưng thường chỉ mình chúng không thể gây ra sự việc dẫn tới tổn thất máy bay.”

Chuyên gia an toàn hàng không người Australia Geoffrey Dell đánh giá “nếu một đàn chim bị hút vào các động cơ do công ty CFM International sản xuất, nó sẽ gây tác động nhất định. Tuy nhiên sự cố sẽ không khiến động cơ ngừng hoạt động ngay lập tức, qua đó giúp phi công có thời gian phản ứng.”

Một quan chức Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết, sau khi có cảnh báo chim đâm vào máy bay và phát lệnh cấp cứu, các phi công đã cố gắng hạ cánh trên đường băng theo hướng ngược lại kế hoạch ban đầu.

Marco Chan, giảng viên cao cấp về hoạt động hàng không tại Đại học Buckinghamshire New và là một cựu phi công, cho biết sự thay đổi kế hoạch đó đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn cho các nhà điều tra.

Theo Chính phủ Hàn Quốc, cơ trưởng chuyến bay trên máy bay Boeing 737-800 đã làm việc từ năm 2019 với kinh nghiệm 6.823 giờ bay.

Đáng chú ý, Boeing 737-800 là một trong những máy bay với tần suất hoạt động nhiều nhất thế giới, với độ an toàn cao đã được công nhận. Máy bay được phát triển trước khi biến thể MAX liên quan đến cuộc khủng hoảng an toàn gần đây của Boeing.

Theo Luật Hàng không toàn cầu, Hàn Quốc sẽ phải đứng đầu một cuộc điều tra dân sự có liên quan đến Ủy ban An toàn Vận tải Quốc gia tại Mỹ, nơi chiếc máy bay này được sản xuất./.