Ủy viên Nông nghiệp EU thúc đẩy cấm nhập khẩu Ngũ cốc Ukraine

Ukraine đã trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến đường thay thế của EU, được gọi là Solidarity Lanes (các Làn Đoàn kết), để xuất khẩu ngũ cốc sau khi Nga từ bỏ gia hạn Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen.

Lúa mỳ xuất khẩu của Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy viên nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Janusz Wojciechowski ngày 12/9 cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) nên gia hạn lệnh cấm tạm thời đối với hàng nhập khẩu của Ukraine tại 5 quốc gia láng giềng của EU, vì biện pháp này giúp thúc đẩy xuất khẩu bên ngoài khối.

Ukraine đã trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến đường thay thế của EU, được gọi là Solidarity Lanes (các Làn Đoàn kết), để xuất khẩu ngũ cốc sau khi Nga từ bỏ gia hạn Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen.

[Nhiều nước đàm phán thiết lập tuyến xuất khẩu ngũ cốc Ukraine]

Điều này khiến nông dân ở các nước láng giềng là Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ngũ cốc Ukraine trên chính thị trường của họ.

EC đã công bố “các biện pháp phòng ngừa tạm thời” vào tháng 5, theo đó sẽ cấm bán hàng hóa nông sản của Ukraine vào 5 quốc gia này, trong khi cho phép quá cảnh sang các thị trường ngoài EU, chủ yếu là châu Phi.

Bảo vệ quan điểm của mình, Ủy viên Wojciechowski nói với Nghị viện châu Âu rằng các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả và ổn định thị trường ở 5 quốc gia thành viên, đồng thời cũng giúp tăng xuất khẩu thông qua các Làn Đoàn kết.

Ông Wojciechowski cũng cho biết EC đang theo dõi chặt chẽ tình hình. EC cũng phân bổ 156 triệu euro (167,29 triệu USD) để bồi thường cho nông dân EU bị ảnh hưởng và tích lũy gần 1,9 tỷ euro (2,04 tỷ USD) để cải thiện các tuyến đường thay thế.

Năm quốc gia đã thúc đẩy việc gia hạn lệnh cấm sau khi hết hạn ngày 8/9, riêng Ba Lan nhiều lần tuyên bố sẽ đơn phương duy trì lệnh cấm nếu EC không gia hạn.

Hơn 60% ngũ cốc Ukraine quá cảnh qua EU di chuyển qua Romania, nơi các hiệp hội nông dân nước này có kế hoạch phản đối nếu lệnh cấm được dỡ bỏ.

Ngày 12/9, Bộ trưởng Nông nghiệp Romania Florin Barbu đã đề nghị EC thiết lập một hệ thống trợ cấp để vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp Ukraine ra ngoài khối./.

(TTXVN/Vietnam+)