Tổng thống Ukraine để ngỏ khả năng ngừng bắn với Nga

Tổng thống Zelensky cho rằng việc để Ukraine trở thành thành viên của NATO trong khi cho phép Nga giữ phần lãnh thổ hiện nay có thể là một giải pháp để chấm dứt "giai đoạn nóng" của cuộc chiến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại một cuộc họp ở Kiev. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại London dẫn nguồn báo Telegraph và kênh tin tức Sky News cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lần đầu tiên để ngỏ khả năng nước này có thể ngừng bắn với Nga nếu được đặt dưới sự bảo vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngày 29/11, Tổng thống Zelensky đã lần đầu tiên đưa ra tuyên bố như vậy.

Theo truyền thông quốc tế, trả lời phỏng vấn Sky News, Tổng thống Zelensky cho rằng việc để Ukraine trở thành thành viên của NATO trong khi cho phép Nga giữ phần lãnh thổ hiện nay mà nước này đang kiểm soát có thể là một giải pháp để chấm dứt "giai đoạn nóng" của cuộc chiến kéo dài 33 tháng qua.

Ông cũng nhấn mạnh, sau khi lệnh ngừng bắn được nhất trí, Kiev có thể đàm phán "ngoại giao" để nhận lại phần lãnh thổ ở phía Đông hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Zelensky thể hiện sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Ukraine so với trước đó, khi Kiev tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu với Nga cho đến khi được trả lại phần lãnh thổ được quốc tế công nhận, bao gồm bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ phía Đông của nước này.

Sự thay đổi này diễn ra khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức với lời hứa sẽ chấm dứt chiến tranh ngay trong "ngày đầu tiên." Trong khi đó, sự ủng hộ về một thỏa thuận hòa bình cũng đang gia tăng trong số các đồng minh châu Âu.

Theo các kế hoạch do nhóm của ông Trump đưa ra, một thỏa thuận hòa bình sẽ khiến tiền tuyến hiện tại bị “đóng băng” tại chỗ và Ukraine đồng ý gác lại tham vọng gia nhập NATO trong 20 năm. Nếu Ukraine đồng ý, Mỹ sẽ cung cấp vũ khí để Kiev đối phó với các mối đe dọa từ Nga trong tương lai.

Trong tuyên bố mới nhất của mình, ông Zelensky ám chỉ rằng "chiếc ô NATO" sẽ không phải là tư cách thành viên đầy đủ của NATO, điều mà Nga vẫn kiên quyết phản đối như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Thay vào đó, các quốc gia thành viên NATO, bao gồm Anh, Mỹ, Pháp và Đức, có thể cung cấp các bảo đảm an ninh riêng lẻ cho Ukraine./.