Tuyển sinh đại học: Việc sử dụng quá nhiều phương thức gây nhiễu thông tin
Kết quả tuyển sinh năm 2023 cho thấy phương thức xét tuyển bằng kết quả thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông vẫn chiếm cao nhất với tỷ lệ 49,45%; tiếp đó là xét tuyển theo học bạ với trên 30%
Việc sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển đại học trong thời gian qua gây nhiễu thông tin cho thí sinh. Đây là nhận định của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy trong báo cáo về công tác tuyển sinh đại học thời gian qua tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015-2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, 2025. Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm nay, ngày 15/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều phương thức hiệu quả thấp
Theo Vụ trưởng Nguyễn Thị Thủy, từ năm 2019, các trường đại học sử dụng nhiều phương thức khác nhau trong tuyển sinh đại học. Trong năm 2023, công tác tuyển sinh năm 2023 đảm bảo an toàn, minh bạch, đúng quy chế, tiếp tục cho thấy đột phá trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế kết quả xét tuyển cho thấy có nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả.
Việc này cũng chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức.
Cụ thể, kết quả tuyển sinh năm 2023 cho thấy phương thức xét tuyển bằng kết quả thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông vẫn chiếm cao nhất với tỷ lệ 49,45%. Tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập bậc Trung học phổ thông, chiếm 30,24%. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển theo phương thức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chiếm tỷ lệ 2,57%. Các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) chiếm tỷ lệ 14,1%.
Để giải quyết vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đề nghị các cơ sở giáo dục phân tích, thống kê kết quả các phương thức xét tuyển; đánh giá, đối sánh, phân tích tương quan kết quả học tập của sinh viên theo từng phương thức xét tuyển. Từ các kết quả đó, loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả đồng thời có phương án xét tuyển đảm bảo công bằng giữa các phương thức.
Cần sự điều chỉnh
Bên cạnh vấn đề nhiều phương thức xét tuyển, xét tuyển sớm cũng là xu hướng của các trường. Năm 2023, số lượng cơ sở đào tạo xét tuyển sớm là 214 trên tổng số 322 đơn vị. Số thí sinh trúng tuyển tuyển sớm là trên 375.500 em. Số thí sinh có trúng tuyển sớm sau lọc ảo gần 302.000 em.
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho hay vẫn có hiện tượng thí sinh nhầm lẫn, không biết đăng ký nguyện vọng xét tuyển sớm lên hệ thống chung. Có cơ sở giáo dục đại học không đưa danh sách trúng tuyển lên hệ thống, gọi thí sinh nhập học sớm, chậm giải quyết sai sót cho thí sinh.
Theo đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các cơ sở đào tạo cần tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh đồng thời rà soát, đánh giá hiệu quả của phương thức xét tuyển sớm. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống đăng ký và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh hiện nay cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Khẳng định việc đa dạng trong phương thức tuyển sinh là tốt nhưng Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các trường công khai, minh bạch tuyển sinh, nhưng hiện chưa có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Vì vậy, các trường cần phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp.
Trước đó, tại Hội thảo Công tác chuẩn bị đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 11/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng bày tỏ lo ngại về việc hiện có quá nhiều phương thức tuyển sinh, các kỳ thi riêng.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Luật Giáo dục Đại học quy định các trường được tự chủ về phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi người học.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh thông điệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo là khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học sử dụng điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông để tuyển sinh. Điều này nhằm giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh đại học. Theo Thứ trưởng, những học sinh ở vùng sâu, vùng xa sẽ thiệt thòi hơn khi không có điều kiện tiếp cận các kỳ thi riêng của các trường./.