Tương lai của Syria sẽ như thế nào dưới sự điều hành của chính quyền mới?

Hội nghị đối thoại quốc gia được kỳ vọng sẽ đưa ra một loạt quyết định quan trọng để xác định bản sắc tương lai của Syria, trong đó có việc giải tán đảng Baath và tổ chức lại Quốc hội.

Syria dự kiến sẽ tổ chức hội nghị đối thoại quốc gia trong tuần này, với sự tham gia của các đại diện đến từ các phe phái chính chính và thành phần xã hội ở Syria, nhằm định hình tương lai của đất nước dưới sự điều hành của chính quyền mới do phe đối lập lãnh đạo.

Ông Mohammad Khaled, quan chức phụ trách các vấn đề chính trị trong chính quyền mới ở Syria do nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir Al Sham (HTS) lãnh đạo, cho biết hội nghị đối thoại quốc gia sẽ được tổ chức tại thủ đô Damascus trong hai ngày 4-5/1/2025.

Hội nghị sẽ quy tụ hơn 1.000 đại biểu đến từ tất cả các tỉnh của Syria, đại diện cho các đảng phái chính trị, nhóm cộng đồng và các giáo phái ở quốc gia Trung Đông này.

Theo ông Khaled, một ủy ban chịu trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại quốc gia sẽ được thành lập trong 1-2 ngày tới.

Ông Khaled cho biết thêm các đại biểu tham dự hội nghị sẽ thảo luận về "một loạt quyết định liên quan đến giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3-4 năm, chẳng hạn như "việc thành lập một ủy ban hiến pháp có nhiệm vụ soạn thảo tuyên bố hiến pháp và đưa dự thảo này ra trưng cầu dân ý."

Theo truyền thông Syria, các chính trị gia, đại diện các tổ chức xã hội, chuyên gia và các nhà hoạt động nhân quyền sẽ được mời với tư cách cá nhân.

Hội nghị đối thoại quốc gia được kỳ vọng sẽ đưa ra một loạt quyết định quan trọng để xác định bản sắc tương lai của Syria, trong đó có việc giải tán đảng Baath và tổ chức lại Quốc hội, bên cạnh việc tái thiết tất cả các lực lượng quân sự và an ninh.

Hội nghị đối thoại quốc gia có thể là hội nghị toàn quốc đầu tiên của các nhóm chính trị và giáo phái khác nhau của Syria sau 13 năm xung đột. Theo đánh giá của giới phân tích, hội nghị cũng sẽ là phép thử quan trọng về việc liệu chế độ mới có thể thực hiện lời hứa thống nhất đất nước trong thời kỳ hậu Assad hay không.

Trong tuyên bố mới đây, nhà lãnh đạo thực tế của Syria, ông Ahmad Al Shara, nói rằng các cuộc bầu cử ở nước này có thể mất đến 4 năm, trong khi việc soạn thảo hiến pháp mới có thể mất 3 năm./.