Tuổi trẻ Việt Nam tự hào, vững bước viết tiếp trang sử hào hùng
Học sinh, sinh viên là nguồn lực trẻ, quan trọng, có nhiều sáng tạo đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, học sinh, sinh viên là lực lượng tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Ngày nay, họ là nguồn lực trẻ, quan trọng, có nhiều sáng tạo đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Tự hào những trang sử vàng
Đầu thế kỷ 20, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước đã lần lượt ra đời như Học sinh Đoàn, Sinh hội đỏ, Tổng hội Sinh viên… Qua đó, tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, góp phần làm nên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, dưới sự tổ chức, động viên của Tổng hội Sinh viên, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn gồm diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác và Chính phủ đề ra.
Từ năm 1947-1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến. Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng đông. Hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đang dạng hơn. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả khu vực Đông Dương.
Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn-Chợ Lớn đã vận động, tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên cùng nhiều giáo viên, 7.000 nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập, trả tự do cho những người bị bắt, mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn đã hun đúc trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn lòng căm thù giặc, ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn, học sinh, sinh viên những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hằng năm làm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V tháng 11/1993, tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên tiếp tục động viên học sinh, sinh viên xung phong Tây tiến, giảng dạy, xây dựng, sửa chữa giao thông, thủy lợi, phát triển kinh tế, tham gia phong trào “3 sẵn sàng," “5 xung phong," “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu," “hát cho dân tôi nghe," “dậy mà đi”… Qua đó, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những tấm gương như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ơn, các liệt sỹ Đỗ Ngọc Thạnh, Trần Bội Cơ, Nhất Chi Mai, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… đã làm sáng ngời truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.
75 năm qua, lớp lớp thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam luôn phát huy sức mạnh, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy vai trò xung kích trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên tiếp tục phát động rộng rãi trong học sinh, sinh viên các phong trào “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp," “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt," phong trào sinh viên tình nguyện, phong trào: Học sinh 3 tốt, Học sinh 3 rèn luyện, Sinh viên 5 tốt… Các phong trào đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia vào nhiều lĩnh vực mới, địa bàn khó khăn, đòi hỏi sức trẻ, nhiệt huyết và trí tuệ.
Hình ảnh học sinh, sinh viên khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện từ vùng đồng bằng, thành thị về hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn của đất nước; sinh viên tình nguyện “gồng mình chiến đấu" với COVID-19 để mang lại bình yên cho nhân dân; những thầy cô áo xanh luôn xuất hiện trước màn hình máy tính 24/24 giờ khi các học sinh cần ôn tập trước mỗi kỳ thi… là những hình ảnh đẹp, tạo dấu ấn sâu đậm, khó quên trong cộng đồng.
Nhân tố tiên phong tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Từ thực tiễn phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương sống đẹp, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Nhiều người vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, góp phần hình thành một lớp học sinh, sinh viên Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với lòng yêu nước nồng nàn, có bản lĩnh, tri thức, sức khỏe, khát vọng vươn lên, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế.
Trong số đó, có thể kể đến em Phạm Công Minh (học sinh lớp 12A2 Tin học, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã làm rạng danh đất nước khi xuất sắc giành cú đúp Huy chương Vàng tại kỳ Olympic Tin học châu Á-Thái Bình Dương (APIO) và Olympic Tin học quốc tế (IOI). Với thành tích nổi bật này, em vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Học sinh Trần Minh Hoàng (lớp 12 Toán 1, Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Tĩnh) cũng được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì. Em đã giành được huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế năm 2024, Giải Nhất Olympic Hình học Iran năm 2023 và Giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Toán năm học 2023-2024.
Sinh viên Nguyễn Hòa Kim Thái (Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là Đảng viên, gương “Thanh niên sống đẹp” toàn quốc năm 2024 của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, thủ khoa tốt nghiệp toàn trường năm 2024. Kim Thái còn là tác giả chính và đồng tác giả của hơn 15 công bố khoa học trên các tạp chí khoa học, hội thảo trong và ngoài nước.
Những thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học thuật quốc gia, quốc tế; công trình, giải thưởng nghiên cứu khoa học; huy chương trên các đấu trường thể thao… là những “quả ngọt” của sự bền bỉ, kiên trì, say mê trong học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, học sinh, sinh viên luôn là lực lượng ưu tú của thanh niên Việt Nam với tinh thần xung kích cách mạng, sẵn sàng dấn thân, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ và tư duy sáng tạo, xứng đáng với kỳ vọng, niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và nhân dân.
Các phong trào “Học sinh 3 rèn luyện," “Học sinh 3 tốt," “Sinh viên 5 tốt” đều là những sáng kiến thiết thực nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lớp học sinh, sinh viên thời kỳ mới có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, sức khỏe, tri thức, lối sống văn minh, có ước mơ, hoài bão lớn. Đồng thời, cổ vũ tinh thần tích cực học tập, xung kích, tình nguyện, sáng tạo và hội nhập, làm chủ khoa học-công nghệ tiên tiến, vươn lên ngang tầm thời đại.
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, học sinh, sinh viên là lực lượng kế thừa, nhân tố tiên phong, đóng vai trò then chốt thực hiện khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Họ mang trên mình những kỳ vọng to lớn về một tương lai rạng rỡ của đất nước. Yêu cầu, nhiệm vụ đối với thanh niên, nhất là thế hệ tri thức trẻ trong giai đoạn cách mạng mới rất vẻ vang, đòi hỏi họ khẳng định rõ vai trò, ý thức rõ về trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong mọi hoạt động.
Họ phải là lực lượng đi đầu trong học tập, rèn luyện; không ngừng phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ; bền lòng, quyết tâm, nói ít làm nhiều, năng động, quyết đoán, nắm bắt và tranh thủ mọi thời cơ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Tại Đại hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024-2029 (tháng 12/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định niềm tin rất lớn của Đảng, Nhà nước vào thế hệ trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên: “Đất nước có vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình hay không, đến năm 2045 có sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc hay không, phụ thuộc rất lớn vào đóng góp của lực lượng thanh niên - thế hệ tương lai của đất nước, những người kế bước cha anh gánh vác nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”./.