Từ vụ việc FLC Faros: Nâng khống vốn điều lệ - Vốn giả thiệt hại thật

Trường hợp tăng vốn khống tại FLC Faros cho thấy đã có những lỗ hổng, bất cập trong quy định pháp luật đến khâu quản lý, kiểm soát dòng vốn đăng ký của doanh nghiệp.

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: HOSE)

Việc nâng khống vốn điều lệ rồi niêm yết cổ phiếu, kiếm lời bất chính trên thị trường chứng khoán là câu chuyện không phải mới, nhưng với mức độ nâng khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, rồi niêm yết cổ phiếu bán chiếm đoạt tới hơn 6.412 tỷ đồng của nhà đầu tư như trường hợp CTCP Xây dựng FLC Faros - FLC Faros (mã chứng khoán: ROS), khiến không chỉ nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ROS bất bình mà cả cộng đồng đầu tư tài chính “dậy sóng” về mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Giới đầu tư cảm thấy băn khoăn và bất an khi doanh nghiệp có thể lách luật để “bán giấy lấy tiền” hàng nghìn tỷ đồng, nhưng qua rất nhiều năm mới bị phanh phui.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Toàn bộ quá trình tăng vốn này được thực hiện khi FLC Faros chưa phải doanh nghiệp đại chúng. Hành trình nâng vốn hàng nghìn tỷ của doanh nghiệp này từng bị kiểm toán lưu ý bất thường.

Trong báo cáo kiểm toán bán niên năm 2016, Công ty TNHH Kiểm toán ASC nhấn mạnh: "Trong đợt tăng vốn điều lệ trong quý I/2016 với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần. Các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016."

Như vậy, các cổ đông góp vốn từng phần thông qua chuyển tiền vào tài khoản của FLC Faros, nhưng ngay lập tức tiền lại được chuyển ra ngay và quy trình này lặp lại đến 18 lần chỉ trong ngày 8/1/2016.

Với 18 vòng chuyển tiền thực tế cổ đông của FLC Faros, thì chỉ cần hơn 25 tỷ đồng để hoàn tất đợt tăng vốn. Sau khi chỉ ra bất cập, FLC Faros đã đổi đơn vị kiểm toán.

[Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên tiếng về vụ tăng vốn ảo tại FLC Faros]

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông tin về việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng xảy ra tại FLC Faros và khẳng định, đây là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Doanh nghiệp, không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính.

Bình luận về thông cáo báo chí do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát đi, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có chức năng quản lý công ty đại chúng chưa niêm yết và quá trình tăng vốn của FLC Faros được thực hiện khi doanh nghiệp chưa phải doanh nghiệp đại chúng. Tuy nhiên, đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) phải có trách nhiệm ở khâu cấp phép niêm yết.

FLC Faros tăng vốn thêm hàng nghìn lần từ năm 2014 đến năm 2016 thì đến tháng 9 được cấp phép niêm yết. Công ty kiểm toán đã có những nhận xét tăng vốn khống qua ủy thác đầu tư, đưa tiền vào xong lại rút tiền ra, đây là dấu hiệu “lừa đảo” - Phó Chủ tịch VAFI nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, FLC Faros không xa lạ gì với nhà đầu tư vì đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn FLC và thời điểm này do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch. Thực tế, trên thị trường chứng khoán, công ty này đã nổi tiếng làm giá cổ phiếu.

Do đó, chuyện tăng vốn “thần tốc” của công ty đã cho thấy sự phi lý, hơn nữa kiểm toán đã có nhận xét đây là tăng vốn ảo. Bên cạnh đó, trên một số diễn đàn chứng khoán cũng có những bài đăng, lật tẩy câu chuyện tăng vốn của Tập đoàn FLC.

“Do vậy, các cơ quan chức năng phải làm rõ tại sao HOSE lại cấp phép niêm yết, những cá nhân nào có trách nhiệm trong vụ việc này” - ông Hải đề nghị.

Theo ông Hải, câu chuyện tăng vốn này là vô lý, nhưng cơ quan quản lý vẫn cho phép niêm yết thì cần đặt câu hỏi trong chuyện này. Hơn nữa khi ROS lên sàn và tăng mạnh nhưng không thấy có ý kiến nhận xét gì của thanh tra thị trường.

Bộ phận thanh tra giám sát của HOSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể truy cập vào các giao dịch hằng ngày, dữ liệu thị trường các đơn vị này phải biết. Việc một cổ phiếu liên tục tăng không ngừng, giới đầu tư cũng biết rằng cổ phiếu đang bị đẩy giá, nhưng cơ quan quản lý không có ý kiến, không biết là điều rất phi lý và khó hiểu. Phó Chủ tịch VAFI nêu vấn đề.

Thực tế, có giai đoạn ông Trịnh Văn Quyết nổi lên là người giàu nhất sàn chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cũng đã có cảnh báo, nhưng quá trình “làm giá” của ROS vẫn tiếp tục và không thấy động thái gì từ cơ quan quản lý.

Hơn nữa, ROS còn có thời gian được đưa vào rổ cổ phiếu VN30, được coi là “hoa hậu” của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 3 năm liền. ROS đã từng trở thành hiện tượng trên thị trường chứng khoán khi chỉ sau hơn 1 năm niêm yết trên sàn HOSE và giá cổ phiếu đã gấp hơn 17 lần so với giá chào sàn (10.500 đồng/cổ phiếu). Đỉnh điểm, ROS đã có lúc ghi nhận mức giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu.

“Những vấn đề nhức nhối như vậy cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong cơ quan quản lý. Cơ quan công an làm rõ trách nhiệm của những người quản lý, thanh tra, giám sát thị trường, của sở giao dịch và của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chứ không thể “phủi tay” trong câu chuyện này” - Phó chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải đề nghị.

Theo ông Hải, thực tế, đã có rất nhiều cảnh báo về cổ phiếu rác, cổ phiếu “lừa đảo” tăng giá phi mã. Nhưng nhà đầu tư vẫn giao dịch thì bản thân họ cũng phải chịu trách nhiệm, chứ nhà nước không thể chịu trách nhiệm thay. Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh, nếu quản lý nhà nước mà hiệu quả thì cũng không thể xảy ra câu chuyện như trường hợp của ROS.

Ngay “bộ lọc” đầu tiên là khâu cấp phép niêm yết nếu làm có trách nhiệm, FLC Faros không được phép niêm yết thì không xảy ra chuyện này và nhà đầu tư cũng không phải chịu thiệt hại, ông Hải cho hay.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, vấn đề của ROS là rất trầm trọng. ROS hiện tại chưa có đại diện pháp luật và chưa có đơn vị kiểm toán chấp thuận; chưa tổ chức đại hội cổ đông và chưa công bố báo cáo tài chính. Chiếu theo quy chế giao dịch của sàn UPCOM, ROS vẫn thuộc dạng đình chỉ giao dịch. Toàn bộ giao dịch của các cổ đông không được thực hiện giao dịch trên sàn nữa.

Đến thời điểm này khi nhận quyết định hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 5/9 gần như các cổ đông không có một biện pháp nào khác để bảo vệ tài sản của mình.

“Bán giấy lấy tiền”

Câu chuyện nâng vốn ảo rồi niêm yết trên sàn chứng khoán không phải mới, thậm chí có doanh nghiệp lên sàn rồi vẫn làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng vốn khống như trường hợp xảy ra tại Công ty cổ phần ASA.

Hồi đầu năm nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đang điều tra hành vi tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu Công ty cổ phần liên doanh SANA WMT (nay là Công ty cổ phần ASA) - mã chứng khoán: ASA.

Căn cứ kết quả điều tra xác định Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần ASA đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỷ đồng; niêm yết bổ sung 7 triệu cổ phiếu ASA tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để bán và thu tiền bất chính.

Thông tin về vụ án trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ngày 23/1/2022, cơ quan này đã ban hành Quyết định số 50/QĐ-UBCK về việc hủy 7 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần ASA từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn từ 30 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định ông Nguyễn Văn Nam - nguyên Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần ASA đã thực hiện hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng của Công ty cổ phần ASA và đã có Quyết định số 06/QĐ-CSKT-P9 ngày 23/01/2022 khởi tố vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần ASA và các đơn vị liên quan."

Công ty cổ phần ASA trước đây là Công ty cổ phần Liên doanh Sana WMT, niêm yết và chính thức giao dịch trên HNX từ năm 2012. Cổ phiếu ASA bị HNX hủy niêm yết từ ngày 13/6/2019 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, chuyển xuống giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCOM từ ngày 21/6/2019 và bị đưa vào diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần) do tổ chức đăng ký giao dịch có chứng khoán bị hủy niêm yết.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Trong quá trình giám sát, kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện có một số dấu hiệu bất thường trong báo cáo tài chính, trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn từ 30 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng của Công ty cổ phần ASA và giao dịch cổ phiếu ASA nên đã phối hợp, đề nghị Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an xác minh, làm rõ.

Một trường hợp nâng khống vốn điều lệ nữa có thể kể đến trường hợp Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu mỏ và khoáng sản miền Trung (mã chứng khoán: MTM). Từ mức vốn ban đầu 10 tỷ đồng, một số cá nhân đã làm giả danh sách cổ đông 103 người, giả chứng từ tăng vốn lên 310 tỷ đồng. Sau đó, cổ phiếu MTM được đưa lên sàn UPCOM và các cá nhân này “xả” cổ phiếu thu về tiền mặt.

Từ các vụ việc trên có thể thấy, kế hoạch "bán giấy lấy tiền" luôn bắt đầu từ một công ty bình thường, không nhất thiết phải là một công ty cổ phần. Mức vốn điều lệ nâng khống càng lớn càng có lợi vì khi lên sàn vốn sẽ được chia thành số lượng cổ phiếu ở mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, việc các công ty càng tăng vốn “gấp gáp” ngay trước khi niêm yết là dấu hiệu đáng ngờ.

Sau khi nâng khống vốn điều lệ, doanh nghiệp sẽ thực hiện bước tiếp theo là trở thành công ty đại chúng. Theo quy định tại Luật Chứng khoán 2006 (hiện đã được sửa đổi bổ sung thành Luật Chứng khoán năm 2019), chỉ cần có tối thiểu 100 cổ đông là trở thành công ty đại chúng, tiêu chuẩn đầu tiên được lên sàn niêm yết.

Doanh nghiệp chỉ cần chia lượng cổ phần nhất định cho người thân chủ doanh nghiệp, người lao động trong công ty hoặc người đứng tên là đủ điều kiện. Thường thì phần lớn số cổ phần nằm trong tay một vài người có quyền chi phối, việc này để giúp cho việc thao túng giá cổ phiếu được dễ dàng sau khi cổ phiếu được đưa lên sàn giao dịch.

Tiếp đến, các cá nhân nắm giữ lượng lớn cổ phiếu sẽ “làm giá” thao túng cổ phiếu bằng cách tạo cung cầu giả để lôi kéo nhà đầu tư ít kinh nghiệm tham gia giao dịch.

Đồng hành với quá trình “làm giá” sẽ là các thông tin về hoạt động kinh doanh được đẩy ra thị trường; các thông tin có lợi cho doanh nghiệp liên tục được phát đi, thậm chí là trên các kênh mạng xã hội, các diễn đàn chứng khoán để đẩy giá cổ phiếu và chờ thời điểm thích hợp các cá nhân sẽ bán ra.

Từ những trường hợp trên cho thấy, chiêu trò nâng khống vốn điều lệ, sau đó niêm yết cổ phiếu trên sàn và bán ra thu tiền thật giúp các ông chủ doanh nghiệp thu lời rất lớn trong khi nếu chỉ dựa vào hoạt động kinh doanh thật không thể thu được mức lợi nhuận khổng lồ như vậy. Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn cả là sự thiệt hại của hàng triệu nhà đầu tư.

Trở lại câu chuyện trường hợp tăng vốn khống tại FLC Faros cho thấy đã có những lỗ hổng, bất cập trong quy định pháp luật đến khâu quản lý, kiểm soát dòng vốn đăng ký của doanh nghiệp. Trong khi khung pháp lý đang cần tiếp tục được hoàn thiện, để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư thì chính họ cần nâng cao hiểu biết pháp luật, đầu tư kinh doanh, tránh đầu tư theo đám đông để tự bảo vệ mình./.

Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)