Tư tưởng Hồ Chí Minh là nguồn động lực mạnh mẽ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Cô giáo Lan Chi, sinh sống 14 năm ở Lào, đã có những chia sẻ về vai trò và ý nghĩa của việc kế thừa và phát huy Tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập làm theo Di chúc của Người ở trong và ngoài nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn có giá trị bền vững, lâu dài đối với sự nghiệp đổi mới, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, cô giáo Nguyễn Thị Lan Chi, Phó Hiệu trưởng trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du, sinh sống 14 năm ở Lào, đã có những chia sẻ chi tiết với phóng viên TTXVN tại Vientiane về vai trò và ý nghĩa của việc kế thừa và phát huy Tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập làm theo Di chúc của Người ở trong và ngoài nước.
Nhà giáo Lan Chi khẳng định Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc mà còn khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, nguồn động lực mạnh mẽ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Theo cô, hiện nay, đất nước đang tiến hành Đổi mới toàn diện vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" là tiếp tục con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Vì vậy, trong đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cô Lan Chi chia sẻ hiểu được ý nghĩa và vai trò của Tư tưởng Hồ Chí Minh, bản thân cô nhận thấy phải luôn nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên trong lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thông qua các hoạt động cơ quan tổ chức.
Khi nói về giá trị thời đại của những nội dung trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đoàn kết toàn dân, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, xây dựng Đảng, đoàn kết quốc tế…), Phó Hiệu trưởng trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du khẳng định sau 45 năm công bố, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sáng tỏ tầm nhìn thời đại và vẹn nguyên giá trị.
Về vấn đề về Đảng, Bác nhấn mạnh trước hết là tính đoàn kết. Bác căn dặn phải giữ gìn đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi trong mắt mình.
Bác đã nói về 4 chữ “thật” trong đoạn viết về Đảng cầm quyền: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”
Ở bản viết năm 1968 - năm diễn ra sự kiện Mậu Thân, Bác trù tính giải phóng miền Nam xong thì việc đầu tiên phải làm là tập trung chỉnh đốn lại Đảng.
Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang thực hiện điều ấy bằng cách quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng để lấy lại niềm tin của nhân dân. Di chúc của Bác cũng căn dặn Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm hết sức mình củng cố tình đoàn kết quốc tế giữa các Đảng anh em.
Điều này cho thấy Bác là chiến sỹ Cộng sản suốt đời trung thành với chủ nghĩa quốc tế chân chính. Lời dặn của Bác, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện suốt 50 năm nay.
Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh đến công tác chăm lo cho đời sống nhân dân. Người căn dặn việc đầu tiên phải làm là đền ơn đáp nghĩa cho những người có công, những gia đình thương binh liệt sỹ, không để họ rơi vào cảnh túng thiếu, đói khổ. Đảng phải có chủ trương, chính sách, kế hoạch thật tốt để chăm sóc đời sống của nhân dân cả hai miền Nam-Bắc.
Bác còn dặn Đảng phải giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đưa các cháu ưu tú nhất trong công an, quân đội, thanh niên xung phong và các tầng lớp khác đi đào tạo, bồi dưỡng. Bác nhấn mạnh đây là việc rất cần thiết để các cháu trở thành đội quân chủ lực xây dựng đất nước, những người "vừa hồng, vừa chuyên."
Bác còn căn dặn phải đặc biệt quan tâm phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em phát triển tiến bộ, đưa chị em tham gia vào công tác lãnh đạo. Rồi với tầng lớp nông dân, phải miễn thuế nông nghiệp cho bà con ngay sau khi giải phóng miền Nam để bà con yên tâm, phấn khởi sản xuất.
Tư tưởng này xuất phát từ bài học của cha ông về “an dân trị quốc,” đến ngày nay vẫn còn nhiều ý nghĩa thực tiễn mà Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm thực hiện./.