“Tủ thuốc biên cương” bảo đảm sức khỏe cho người dân vùng biên giới

Bà Thiết phấn khởi cho hay trước đây khi chưa có "Tủ thuốc biên cương," mỗi lần đi khám bệnh, bà phải nhờ người thân chở xe máy ra trạm y tế xã cách hơn 20km đường mòn men theo đồi núi, rất vất vả.

Thiếu tá, bác sĩ quân y Nguyễn Bá Lương lấy thuốc cấp phát cho người dân. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tại tỉnh Nghệ An, mô hình “Tủ thuốc biên cương” đã được triển khai nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, điều trị, bảo đảm sức khỏe cho người dân ở địa bàn biên giới. Thực tế những năm quan cho thấy, mô hình này đã đạt hiệu quả cao, tạo niềm tin cho nhân dân vùng biên giới.

Người dân vùng cao phấn khởi

Những ngày tháng 7, có dịp đến với Nghệ An cảm nhận được cái nắng gay gắt ở vùng biên cương. Con đường đến các bản Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3 và Cao Vều 4 (xã Phúc Sơn) gập ghềnh nhiều khúc của theo những con đường mòn băng qua nhiều ngọn núi. Giữa tiết trời nắng nóng nhưng người dân nơi đây vẫn đều đặn đến "Tủ thuốc biên cương" (đặt tại bản Cao Vều 2) để được khám bệnh.

Bà Vi Thị Thiết (58 tuổi), người dân tộc Thái ở bản Cao Vều 2 chầm chậm bước vào Phòng khám bệnh tại Tủ thuốc biên cương đặt tại Bản Cao Vều 2. Bà Thiết cho hay mỗi khi thời tiết thay đổi, đầu gối bà lại ê ẩm.

Đến Tủ thuốc biên cương khám, Thiếu tá, bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Phúc Sơn Nguyễn Bá Lương phụ trách "Tủ thuốc biên cương" đã đo huyết áp, đo nhịp tim, khám xương khớp ở chân cho bà Thiết. Qua khám sơ bộ cho thấy bà Thiết bị thoái hóa đầu gối cần bổ sung thêm caxi và dùng các loại thuốc, thực phẩm chức năng để tái tạo mô sụng khớp và giảm đau, chống viêm.

Bác sĩ Nguyễn Bá Lương dặn dò bệnh nhân hạn chế vác nặng và kê đơn thuốc để bệnh nhân mang thuốc về uống theo hướng dẫn.

Bác sĩ quân y Nguyễn Bá Lương khám cho bà Vi Thị Thiết. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bà Thiết phấn khởi cho hay trước đây, khi chưa có "Tủ thuốc biên cương," mỗi lần đi khám bệnh, bà phải nhờ người thân chở bằng xe máy ra trạm y tế xã cách hơn 20km đường mòn men theo đồi núi, rất vất vả. Từ khi Bộ đội biên phòng mở mô hình “Tủ thuốc biên cương,” bà không phải đi lại xa và được các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn rất nhiệt tình. Ở đây có bác sỹ quân y thuộc Bộ Đội Biên phòng Nghệ An trực 24/24 để tiếp nhận, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con.

Cứ mỗi lần đau ốm bà Thiết đều tới Tủ thuốc để các bác sĩ khám hay nếu trong trường hợp không đi lịa được thì chỉ cần gọi điện là cán bộ quân y đều bố trí thời gian đến thăm khám, cho thuốc miễn phí.

Không riêng bà Thiết mà rất nhiều bà con ở 4 thôn biên giới: Vều 1, Vều 2, Vều 3, Vều 4 thuộc xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn đều phấn khởi vì nhận được sự quan tâm của Đồn Biên phòng Phúc Sơn khi cử cán bộ y tế vào đây khám sức khỏe cho người dân, bà con thuận tiện, không phải đi xa.

Mô hình thiết thực

Nghệ An là tỉnh có đường biên giới dài hơn 419km, chạy qua 27 xã tiếp giáp với nước bạn là Lào. Địa hình hiểm trở và mạng lưới giao thông hạn chế gây khó khăn đáng kể cho việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các xã biên giới.

Các bệnh nhân đến khám tại Tủ thuốc biên cương đặt ở bản Cao Vều 2. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Với đặc điểm địa giới hành chính chia cắt, trải rộng, việc đi lại của người dân trên địa bàn xã Phúc Sơn gặp không ít khó khăn. Chính vì thế, những năm trước đây, đồng bào các dân tộc ít người ở Phúc Sơn rất ngại ra trạm xá khi ốm đau. Từ thực tế đó Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã nảy ý tưởng xây dựng “Tủ thuốc biên cương.”

Thượng tá Hoàng Thanh Tùng - Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết xã biên giới Phúc Sơn (huyện Anh Sơn), trong đó có 4 bản giáp biên giới gồm Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3, Cao Vều 4, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, cách trung tâm xã khoảng 20 km, đường đi lại trắc trở, việc đi khám, chữa bệnh của người dân rất khó khăn, nhất là đối với người già và trẻ em. Từ thực tế trên, được sự nhất trí của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, đầu năm 2019, mô hình “Tủ thuốc biên cương” của đơn vị được thành lập, đặt tại Bản Cao Vều 2 với 1 bác sĩ quân y phụ trách khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại 4 bản sát biên giới.

Tại đây, thiếu tá, bác sĩ quân y Nguyễn Bá Lương (51 tuổi), phụ trách "Tủ thuốc biên cương" hàng ngày túc trực tại tổ công tác và cần mẫn thăm khám cho các bệnh nhân.

Thiếu tá Nguyễn Bá Lương cho hay 4 bản có gần 400 hộ, hơn 1.500 nhân khẩu, trong đó đồng bào Thái chiếm hơn 84%. Mỗi ngày tại Tủ thuốc có từ 7 đến 20 người đến khám, điều trị, chưa kể những trường hợp cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đến khám, điều trị cho người dân tại nhà, nơi xa nhất cách đơn vị hơn 6km. Người dân đến khám, điều trị chủ yếu về các bệnh như: huyết áp, tim mạch, xương khớp. Với trẻ nhỏ thì mắc các bệnh cấp tính như viêm nhiễm đường hô hấp, đường ruột… Đặc biệt, nhiều người dân bị tai nạn khi đi rừng, lao động sản xuất đến khám và cấp cứu được bác sĩ quân y xử lý, khâu vá, băng bó kịp thời. Đối với các trường hợp cấp cứu trong tình trạng nặng, bác sĩ quân y sẽ liên hệ Trung tâm y tế vào chữa bệnh hoặc tư vấn cho bệnh nhân để chuyển tuyến kịp thời.

Các bác sĩ của Mô hình “Tủ thuốc biên cương” mỗi năm khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 1.000 lượt người dân thuộc 4 bản. Trong 5 năm qua, “Tủ thuốc biên cương” của đơn vị đã khám, điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho khoảng 5.000 lượt người dân, qua đó tạo sự tin yêu của cán bộ và nhân dân địa phương đối với Đồn Biên phòng.

Bác sĩ Lương dặn dò bệnh nhân cách dùng thuốc. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trước đây, người dân trên địa bàn 4 bản vùng biên giới xa trung tâm mỗi khi đau ốm rất ít khi đến trạm xá hay cơ sơ y tế để chữa trị do đường sá đi lại khó khăn.

Nhiều năm qua, người dân ở các bản làng vùng biên giới Phúc Sơn đã quen thuộc với hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng ngày ngày về với bản làng khám sức khỏe cho nhân dân; vận động, tuyên truyền đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng bản làng ấm no...

“Tủ thuốc biên cương” là mô hình thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của lực lượng Bội đội Biên phòng, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ… và các cơ quan chức năng của huyện Anh Sơn thể hiện sự quan tâm trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào./.