Tủ sách Đinh Hữu Dư: Chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng khó
Thầy Nay Khôn, giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Krông Pa, cho biết từ khi có Tủ sách Đinh Hữu Dư, việc dạy học của giáo viên trong trường thuận lợi hơn vì không còn rào cản ngôn ngữ.
Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Gia Lai do Đoàn Cơ sở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực miền Trung-Tây Nguyên trao tặng năm 2021 cho điểm trường Ia Jip, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Em Rơ Ô H'Hoai, người dân tộc Jrai, học sinh lớp 5D, điểm trường Ia Jip, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, cho biết em và các bạn rất thích đọc sách thiếu nhi và truyện tranh. Hai năm qua, việc đọc sách, truyện từ Tủ sách Đinh Hữu Dư giúp em nâng cao khả năng đọc, viết tiếng Việt, hiểu bài giảng nhanh hơn và tự tin hơn trong học tập.
Chúng tôi ghé thăm điểm trường Ia Jip trong những ngày cuối tháng Tám. Các giáo viên và học sinh trong trường đã sắp xếp ngăn nắp những cuốn sách, bộ truyện để chào đón năm học mới.
Lần này, Chi đoàn Thanh niên TTXVN khu vực Tây Nguyên đã bổ sung hàng trăm cuốn sách, truyện cho Tủ sách Đinh Hữu Dư để giáo viên trong trường luân phiên sách, truyện đến điểm trường lẻ, đa dạng kiến thức cho các em.
Khi học sinh được nâng cao tiếng Việt, giáo viên trong trường cũng vơi bớt phần nào nỗi lo truyền đạt kiến thức cho các em người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Thầy Nay Khôn, giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, cho biết từ khi có Tủ sách Đinh Hữu Dư, việc dạy học của giáo viên trong trường thuận lợi hơn vì không còn rào cản ngôn ngữ.
Thấy các em ham mê đọc sách, truyện, thầy cô cũng rất hạnh phúc bởi nơi đây điều kiện vui chơi thiếu thốn, gia đình khó khăn nên học sinh rất thiệt thòi. Tủ sách Đinh Hữu Dư vừa là kho kiến thức bổ ích cho các em và cũng là sân chơi giải trí của học sinh sau mỗi giờ học.
Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn thuộc xã Chư Drăng là xã đặc biệt khó khăn của huyên Krông Pa với 5 điểm trường. Trường có 23 lớp với 591 học sinh.
Tại điểm đặt Tủ sách Đinh Hữu Dư ở thư viện điểm trường Ia Jip, sách truyện luôn được sắp xếp gọn gàng, bảo quản ngăn nắp. Các thầy cô ở Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn còn sáng tạo, làm các kệ sách thủ công ở cuối lớp để học sinh có thể chọn sách, truyện ngay trong lớp khi mùa mưa không đến thư viện được.
Theo cô Đoàn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, huyện Krông Pa, với nguồn truyện dồi dào từ Tủ sách Đinh Hữu Dư, nhà trường phát động và xây dựng được văn hóa đọc trong học sinh thông qua hoạt động như: đọc truyện giữa giờ vào thứ Tư hàng tuần, đọc truyện 15 phút đầu giờ và đọc truyện trong giờ tăng cường tiếng Việt.
[Trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư đầu tiên tại khu vực phía Nam]
Bên cạnh đó, trường tổ chức nhiều hội thi như: Hội thi “Em yêu tủ sách lớp em,” “Mỗi tuần 1 câu chuyện hay,” “Hội thi Giao lưu tiếng Việt”... nhằm nâng cao khả năng đọc thành tiếng, đọc hiểu cho học sinh. Tất cả hoạt động đọc của học sinh đều được các em thực hiện một cách tự giác, trở thành thói quen trong nhà trường.
Cô Đoàn Thị Thúy chia sẻ thêm nhờ Tủ sách Đinh Hữu Dư và chỉ đạo quyết liệt của nhà trường cũng như lòng nhiệt tình, tâm huyết của giáo viên, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn đã xây dựng cho học sinh thói quen đọc sách tốt. Các giờ đọc truyện luôn là giờ học thoải mái, học sinh mong đợi, từ đó chất lượng môn Tiếng Việt được nâng cao.
Trước đó, năm 2021, Đoàn Cơ sở Thanh niên TTXVN khu vực miền Trung-Tây Nguyên tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư và sân chơi mơ ước cho học sinh điểm trường Ia Jip, Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Chương trình thành công bởi những người thụ hưởng hào hứng đón nhận, có sức lan tỏa, chắp cánh ước mơ cho học sinh những vùng khó khăn, thiếu thốn.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Chi đoàn Thanh niên TTXVN khu vực Tây Nguyên khẳng định tiếp nối những chương trình trước, không dừng lại ở đây, các đoàn viên thanh niên TTXVN sẽ viết tiếp ước mơ còn dang dở của phóng viên Đinh Hữu Dư đến nhiều điểm trường khó khăn khác để học sinh vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận gần hơn với sự phát triển của xã hội. Đây cũng là bước đệm góp phần giúp các em nâng cao tri thức, thực hiện những ước mơ, hoài bão trong tương lai./.