TT-Huế: Phát triển tinh hoa y học cổ truyền Thái Y viện Triều Nguyễn
Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo nhằm bảo tồn, phục hồi các bài thuốc cổ truyền của Thái Y viện Triều Nguyễn, từ đó phát triển các dịch vụ chất lượng cao và đa tiện ích như du lịch chăm sóc sức khỏe.
Chiều 21/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề "Thái Y viện Triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển."
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong lịch sử 143 năm Triều Nguyễn đã để lại nhiều tri thức quý giá, trong đó có tinh hoa Đông y gắn với Thái Y viện.
Những phương pháp chữa bệnh, chế biến dược liệu, cùng những tác phẩm y văn là biển kiến thức bao la và có giá trị lớn trong việc chăm sóc sức khỏe.
Thông qua hội thảo, địa phương mong muốn sẽ nhận những ý kiến đóng góp liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm đưa Thái Y viện vào cuộc sống, phát triển y học cổ truyền trở thành ngành kinh tế gắn liền với định hướng phát triển Thừa Thiên-Huế trở thành trung tâm y tế chuyên sâu.
[Việt Nam chia sẻ về chính sách khuyến khích phát triển y học cổ truyền]
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ về lịch sử hình thành, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức nhân sự, quá trình hoạt động của Thái Y viện - cơ quan y tế cao nhất dưới Triều Nguyễn; cung cấp thêm các tư liệu về các bài thuốc, vị thuốc và phương pháp chữa trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo y học cổ truyền.
Năm 1804, Vua Gia Long cho thành lập Thái Y viện với bộ máy tổ chức hoàn chỉnh. Thái Y viện là nơi quy tụ nhiều thầy thuốc giỏi khắp cả nước về Kinh đô Huế để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho hoàng gia và triều thần.
Đây là nơi nghiên cứu, truyền nghề y cũng như lưu lại nhiều bài thuốc giá trị của nhiều danh y nổi tiếng mà hậu thế đang kế thừa.
Nhiều đại biểu khẳng định Thái Y viện đã để lại nhiều bài thuốc có giá trị và phương pháp chẩn trị có hiệu quả. Đây là nền tảng cơ bản để định hình và phát triển những dịch vụ chất lượng cao và đa tiện ích, trong đó có các sản phẩm du lịch kết hợp làm đẹp, khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng.
Do đó, Thừa Thiên-Huế cần nghiên cứu những phương thuốc được sử dụng hiệu quả dưới Triều Nguyễn và phương pháp bảo tồn, phục hồi, sử dụng kết hợp tiến bộ khoa học về các phương pháp bào chế, chiết xuất dược liệu, các bài thuốc.
Đồng thời, tỉnh cần tích cực tuyên truyền, thông tin về hiệu quả của các bài thuốc đến người dân, khách hàng trong và ngoài nước; quy hoạch vùng trồng dược liệu, đa dạng hóa hình thức tạo vùng cung cấp dược liệu kết hợp trải nghiệm du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc chia sẻ việc nghiên cứu để phục dựng các sản phẩm và hoạt động của Thái Y viện trong chẩn trị và chăm sóc sức khỏe sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh cũng như nét đặc trưng cho địa phương khi phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe với các tỉnh, thành khác.
Thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong khai thác phát triển các loại hình hình du lịch ở khu vực Đại Nội, trong đó có sản phẩm gắn với y thuật cung đình của Thái Y viện Triều Nguyễn; tăng cường quảng bá loại hình, sản phẩm du lịch và tinh hoa Đông y Huế; đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe./