Truyền hình Quốc hội công bố bộ nhận diện mới và Vị trí kênh 7
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc nhận diện, định vị một kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và là kênh truyền hình đặc thù về Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết.
Chiều 3/6, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Lễ công bố bộ nhận diện mới và vị trí kênh 7 của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành...
Logo mới của Truyền hình Quốc hội Việt Nam với chữ cái Q chủ đạo, kế thừa hai màu đỏ và vàng của nhận diện cũ, được thiết kế theo phong cách hiện đại, hướng tới sự đơn giản nhằm phục vụ cho xu hướng đa nền tảng của các đài truyền hình hiện nay.
Bộ nhận diện mới chính thức được áp dụng trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam kể từ 0 giờ ngày 3/6/2022.
Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết: “Truyền hình Quốc hội Việt Nam, dựa trên triết lý tin tức kiến tạo, đảm nhận việc sáng tạo và tổ chức sáng tạo nội dung phục vụ Quốc hội và cử tri, tạo sự kết nối đồng bộ giữa người dân và Nhà nước, trên cơ sở lan tỏa những giá trị tích cực vì một xã hội văn minh, hài hòa và phát triển bền vững.”
Với sự ủng hộ của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, sau quá trình đàm phán với các đối tác, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã bước đầu hiện thực hóa chiến lược định vị một số hiệu kênh duy nhất là kênh 7, với ý nghĩa Truyền hình Quốc hội Việt Nam là một trong những kênh trẻ nhất trong nhóm 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia.
Nhân dịp này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam công bố nhiều chương trình mới đặc sắc đã và sẽ lên sóng trong tháng 6/2022.
Đáng chú ý là seri chương trình tọa đàm: Lần đọc đầu tiên, Trước giờ bấm nút, Luật và đời sống, Đối thoại chính sách để đại biểu Quốc hội, cử tri và doanh nghiệp góp ý các dự án luật và cũng là diễn đàn để cơ quan soạn thảo giải trình và tiếp thu.
Cùng với đó là seri chương trình tam nông: Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn Việt Nam, Nông dân mới, Miền quê đáng sống sẽ là cái nhìn cận cảnh về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. COP26 là chương trình truyền hình chuyên biệt đầu tiên về chống biến đổi khí hậu với mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam giảm phát thải về 0 vào năm 2050.
[Chủ tịch Quốc hội khai trương Hệ sinh thái số Truyền hình Quốc hội]
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại 3 lần tới thăm Truyền hình Quốc hội Việt Nam, trong đó, Chủ tịch Quốc hội đã đặt ra yêu cầu đưa Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam trở thành cầu nối tương tác ngày càng rộng rãi hơn với cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mong muốn Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam có vị trí kênh phù hợp để cử tri, nhân dân tiện theo dõi, tương tác, xứng đáng với vị thế là một trong 7 kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi Truyền hình Quốc hội Việt Nam chính thức có vị trí kênh 7 trên các nền tảng truyền dẫn cơ bản.
Nhắc lại 3 chữ “chuyên” đã lưu ý cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và người lao động Truyền hình Quốc hội Việt Nam: Chuyên tâm, chuyên nghiệp, chuyên sâu, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng nhận thấy, Truyền hình Quốc hội đã có bước chuyển rất quan trọng gắn với 3 chữ “chuyên” này.
“Các đồng chí đã có thêm nhiều mũ chương trình truyền hình mới sát hơn với thực tiễn cuộc sống, gắn bó và thể hiện tính tương tác cao với cử tri; phản ánh đa chiều và sâu sắc hơn những đề xuất, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và thể hiện là cầu nối tin cậy giữa Quốc hội với cử tri,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 3 đang diễn ra, theo đề xuất của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 100% đại biểu Quốc hội đã đồng ý để Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức truyền hình trực tiếp thêm nhiều buổi thảo luận của Quốc hội tại hội trường, nhất là một số phiên thảo luận về các dự án luật có liên quan đến đời sống dân sinh.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý, sau này, các phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cũng có thể truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi.
Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chúc mừng về những kết quả quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung và hình thức thể hiện các chương trình của Truyền hình Quốc hội Việt Nam; đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đông đảo cử tri và nhân dân.
Quốc hội ngày càng đổi mới, các cơ quan của Quốc hội, của Văn phòng Quốc hội cũng phải đổi mới mạnh mẽ, trong đó có công tác truyền thông. Trong xu thế chung của truyền thông hiện đại, Truyền hình Quốc hội càng phải gắn bó mật thiết với cử tri, với thực tiễn cuộc sống.
Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, việc nhận diện, định vị một kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và là kênh truyền hình đặc thù về Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết.
“Làm sao phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để cử tri và người xem tiếp cận, nắm bắt thông tin, hình ảnh một cách nhanh nhất, chính xác và tin cậy nhất,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
“Với bộ nhận diện mới ấn tượng, Truyền hình Quốc hội Việt Nam như được khoác lên mình một tấm áo mới. Với việc xác lập vị trí cố định kênh số 7, các đồng chí lại có thêm một ngôi nhà mới ở một địa chỉ mới. Đây là những động lực vô cùng quan trọng để Truyền hình Quốc hội Việt Nam có thể khẳng định vị thế, vai trò thực sự là cầu nối giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri và khán giả truyền hình cả nước,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bày tỏ tâm đắc với slogan mà Truyền hình Quốc hội nêu ra tại buổi lễ là “Đổi nhận diện, Mới tầm nhìn,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý thêm: Đổi nhận diện cũng phải mới về quyết tâm, mới về phong cách, mới về cách làm.
Với tất cả những “đổi” và “mới” như vậy, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ đạt được những thành công mới./.