Trung Quốc yêu cầu hạn chế sử dụng iPhone tại các cơ quan nhà nước
Trong một hoặc hai tháng qua, nhiều công ty nhà nước và cơ quan chính phủ ở ít nhất 8 tỉnh của Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên sử dụng các thương hiệu điện thoại nội địa tại nơi làm việc.
Thêm nhiều cơ quan và công ty nhà nước Trung Quốc yêu cầu các nhân viên ngừng sử dụng iPhone và các thiết bị mang thương hiệu nước ngoài tại nơi làm việc, lệnh cấm có khả năng gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của Apple và Samsung tại thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới này.
Theo một số nguồn tin, trong một hoặc hai tháng qua, nhiều công ty nhà nước và cơ quan chính phủ ở ít nhất 8 tỉnh của Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên sử dụng các thương hiệu điện thoại nội địa.
Các nguồn tin giấu tên này cho biết đó là một động thái gia tăng mới so với khoảng tháng 9, khi chỉ một số ít cơ quan ở Bắc Kinh và Thiên Tân bắt đầu yêu cầu nhân viên để các thiết bị điện thoại thương hiệu nước ngoài ở nhà.
Lệnh cấm ở phạm vi lớn hơn đánh dấu sự gia tăng trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm loại bỏ các công nghệ của Mỹ, trùng hợp với sự nổi lên trở lại của thương hiệu nội địa Huawei.
Chính quyền Trung Quốc đã quyết định thực hiện lệnh cấm đối với các thiết bị sản xuất ở nước ngoài ở những cơ quan nhạy cảm của nhà nước - một chỉ thị đã được áp dụng trong nhiều năm - và giờ mở rộng sang nhiều cơ quan chính phủ và thậm chí cả các công ty nhà nước.
Chính quyền các thành phố tại ít nhất 8 tỉnh gồm Chiết Giang, Quảng Đông, Giang Tô, An Huy, Sơn Tây, Sơn Đông, Liêu Ninh và Hà Bắc - nơi có nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới - được cho là đang áp dụng biện pháp hạn chế này.
Trong khi phần mềm và phần cứng của Trung Quốc đã dần thay thế các sản phẩm của Mỹ trong những năm qua, từ phần mềm của Microsoft đến máy tính Dell và chip Intel, sắc lệnh mới có nguy cơ giáng một đòn trực tiếp vào thị phần của Apple tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Chính phủ Trung Quốc trước đó đã bác bỏ các báo cáo về việc hạn chế sử dụng iPhone, đồng thời bày tỏ lo ngại về tính bảo mật của thiết bị này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong cuộc họp báo vào tháng 9: “Trung Quốc chưa ban hành luật và quy định cấm mua điện thoại của Apple hoặc các thương hiệu nước ngoài.”
Tuy nhiên, đây là thách thức lớn đối với Samsung và Apple, khi cả hai thương hiệu đều đang nỗ lực duy trì tăng trưởng tại thị trường trọng điểm này.
Đối với Apple, Trung Quốc là nơi đặt các nhà máy sản xuất phần lớn thiết bị của Quả táo cắn dở đồng thời cũng là thị trường chiếm khoảng 1/5 doanh thu.
Phần lớn điện thoại iPhone của Apple được sản xuất tại các nhà máy quy mô lớn do các nhà cung cấp như Foxconn Technology Group điều hành, nơi sử dụng hàng triệu lao động Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Tim Cook là người xây dựng chiến lược gia công sản xuất của công ty tại Trung Quốc hai thập kỷ trước. Kể từ đó, ông đã làm cố gắng duy trì mối quan hệ tích cực với Bắc Kinh, ngay cả khi Apple bắt đầu chuyển một phần năng lực sản xuất sang các nước khác, bao gồm Ấn Độ.
Dữ liệu độc lập đã chỉ ra rằng doanh số bán iPhone 15 tại thị trường Trung Quốc giảm hơn so với mẫu trước đó, khiến một số nhà phân tích phải điều chỉnh lại dự báo doanh thu của Apple.
Các nhà phân tích tin rằng một phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc Huawei tung ra mẫu điện thoại thông minh Huawei Mate 60 được trang bị bộ vi xử lý tiên tiến sản xuất tại Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc ca ngợi đây là một thắng lợi trước biện pháp hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn của Mỹ, trong khi các nhà lập pháp tại Washington kêu gọi một cuộc điều tra về khả năng vi phạm các lệnh hạn chế.
Trong khi doanh thu của Apple tại Trung Quốc đại lục giảm 2% trong quý 4, công ty đổ lỗi cho sự sụt giảm này là do doanh số bán iPad và Mac.
Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết doanh số iPhone 15 Pro tại Trung Quốc vẫn ở mức tốt và “rất lạc quan” về hiệu quả hoạt động của công ty tại đây.
Apple vẫn được ưa chuộng ở Trung Quốc và các thiết bị của hãng vẫn được sử dụng phổ biến ở cả khu vực chính phủ và tư nhân./.