Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa đẩy có thể tái sử dụng
Tên lửa SQX-2Y do công ty Beijing Interstellar Glory Space Technology nghiên cứu, chế tạo. SQX-2Y có đường kính 3,35m, dài khoảng 17m, được trang bị động cơ metan oxy hóa lỏng.
Ngày 2/11, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công giai đoạn cất cánh và hạ cánh thẳng đứng tên lửa thương mại SQX-2Y có thể tái sử dụng, đánh dấu bước đột phá mới của nước này trong lĩnh vực vũ trụ.
Tên lửa SQX-2Y do công ty Beijing Interstellar Glory Space Technology nghiên cứu, chế tạo. SQX-2Y có đường kính 3,35m, dài khoảng 17m, được trang bị động cơ metan oxy hóa lỏng. Đây là lần đầu Trung Quốc thử nghiệm cất cánh, hạ cánh thẳng đứng và tái sử dụng tên lửa lỏng một tầng quy mô đầy đủ.
Cuộc thử nghiệm được tiến hành tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, miền Tây Bắc Trung Quốc. Trong cuộc thử nghiệm, độ cao bay là 178,42m, thời gian bay là 50,82 giây, độ chính xác của vị trí hạ cánh khoảng 1,68m, tốc độ hạ cánh là 0,025m/s.
[Mảnh vỡ tên lửa đẩy Trường Chinh 5B rơi xuống Ấn Độ Dương]
Công ty Beijing Interstellar Glory Space Technology cho biết thử nghiệm không chỉ thẩm định kế hoạch phát triển tên lửa đẩy tái sử dụng mà còn thu thập dữ liệu quan trọng và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển tên lửa cỡ vừa và lớn, sử dụng metan oxy lỏng có thể tái sử dụng.
Nếu phân loại theo nhiên liệu sử dụng cho động cơ, tên lửa có thể được chia thành 2 loại tên lửa rắn và tên lửa lỏng. Tên lửa lỏng có ưu điểm tiết kiệm chi phí, mức tiêu thụ nhiên liệu, điều chỉnh lực đẩy và khả năng tái sử dụng. Hiện nay, các nước đang tập trung nghiên cứu, phát triển tên lửa đẩy thương mại có khả năng tái sử dụng.
Việc tái sử dụng tên lửa đẩy không chỉ giảm chi phí phần cứng của phương tiện phóng mà còn đơn giản hóa đáng kể các hoạt động và thiết bị trên mặt đất, từ đó giảm chi phí vận hành trên mặt đất và tăng tần suất phóng./.