Trung Quốc, EU cam kết giải quyết những thách thức kinh tế toàn cầu

Tại Đối thoại, hai bên đã thảo luận chân thành, thẳng thắn và hiệu quả về 4 chủ đề, bao gồm nền kinh tế vĩ mô, chuỗi công nghiệp và cung ứng, thương mại và đầu tư, và hợp tác tài chính.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.(Nguồn: AFP/TTXVN)

Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và ứng phó với những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đương đầu.

Sự nhất trí này đã đạt được tại Đối thoại Kinh tế, Thương mại cấp cao lần thứ 9 được tổ chức ngày 19/7 theo hình thức trực tuyến dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis.

Tại Đối thoại, hai bên đã thảo luận chân thành, thẳng thắn và hiệu quả về 4 chủ đề, bao gồm nền kinh tế vĩ mô, chuỗi công nghiệp và cung ứng, thương mại và đầu tư, và hợp tác tài chính.

Hai bên đã đạt được nhiều kết quả và sự đồng thuận về hợp tác trong chính sách kinh tế vĩ mô, hợp tác về chuỗi công nghiệp và cung ứng, cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở cửa thị trường hơn nữa, thực thi thỏa thuận EU-Trung Quốc về  bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm tra và kiểm dịch vật nuôi, cây trồng, mở cửa ngành tài chính theo hai chiều và hợp tác về quy chế trong ngành này.

[Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu]

Trong bối cảnh, tình hình kinh tế và chính trị thế giới đang trải qua những biến động mạnh, Trung Quốc và EU sẵn sàng nỗ lực thúc đẩy sự hiểu biết chung; tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại; tăng cường hợp tác để ứng phó tốt hơn với những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Hai bên sẵn sàng cùng nhau giải quyết những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, tăng cường liên lạc và điều phối về các chính sách kinh tế vĩ mô, duy trì sự ổn định của chuỗi công nghiệp và cung ứng, cùng nhau bảo vệ và đẩy mạnh hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ với WTO đóng vai trò chủ đạo.

Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh tự do thương mại và đầu tư, tạo điều kiện, thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy hơn nữa mở cửa ngành tài chính theo hai chiều và hợp tác quản lý trong ngành này./.

Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)