Trung Quốc, châu Âu hợp tác thử nghiệm tên lửa vệ tinh
Một dự án nghiên cứu vũ trụ chung Trung Quốc - châu Âu mang tên Solar Wind Magnetosphere Ionosphere Link Explorer viết tắt là SMILE, đã thực hiện thành công một vụ thử tên lửa phóng vệ tinh.
Theo thông báo của Trung tâm khoa học vũ trụ quốc gia (NSSC) thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS) ngày 16/2, một dự án nghiên cứu vũ trụ chung Trung Quốc - châu Âu mang tên Solar Wind Magnetosphere Ionosphere Link Explorer (Tàu thăm dò liên kết tầng điện li - từ quyển - gió mặt trời), viết tắt là SMILE, đã thực hiện thành công một vụ thử tên lửa phóng vệ tinh.
NSSC cho biết một nhóm phụ trách vệ tinh Trung Quốc thuộc dự án SMILE mới đây đã đến Trung tâm công nghệ và nghiên cứu vũ trụ châu Âu (ESTEC) thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) để tiến hành vụ thử chung tên lửa phóng vệ tinh nguyên mẫu, hoàn tất việc lắp ghép bề mặt, tách vệ tinh và thử nghiệm va đập.
Nhóm phụ trách vệ tinh Trung Quốc đã vận chuyển 3 module của vệ tinh nguyên mẫu SMILE đến ESA hồi tháng 12/2022 và hoàn tất lắp ráp cuối cùng, lắp ghép và công việc chuẩn bị tại ESTEC.
[Nhật Bản phóng vệ tinh theo dõi các căn cứ quân sự của Triều Tiên]
Đây là hoạt động trao đổi trực tiếp đầu tiên các nhóm của 2 bên kể từ khi việc đánh giá thiết kế nguyên mẫu được tiến hành tháng 1/2020.
SMILE là dự án hợp tác khoa học giữa CAS và ESA để tìm hiểu sâu hơn về tương tác giữa Mặt Trời và Trái Đất bằng cách quan sát tương tác giữa gió mặt trời với từ quyển trái đất.
Ngoài CAS và ESA, các công ty Arianespace và Airbus cũng tham gia cuộc thử nghiệm này.
Nhóm dự án SMILE của Trung Quốc sẽ đến Tây ban Nha vào tháng 4 tới, sau đó đến Đức vào tháng 5 và tháng 9 để tiến hành các cuộc thử nghiệm với các đối tác châu Âu.
Vệ tinh SMILE dự kiến được phóng lên vũ trụ trong năm 2025./.