Triều Tiên phản đối việc bị tước tư cách quan sát viên về chống rửa tiền
Theo quy chế của APG, một quốc gia quan sát viên sẽ phải cho phép phái đoàn APG đến thăm để trao đổi những thông tin liên quan và hợp tác với APG để công bố báo cáo thường kỳ.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Bắc Á, Ủy ban Điều phối quốc gia (NCC) về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của Triều Tiên sáng 3/10 đã ra tuyên bố phản đối quyết định của Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) tước bỏ tư cách quan sát viên của nước này.
NCC nêu rõ Bình Nhưỡng tham gia APG với tư cách quan sát viên nhằm chứng minh rõ ràng rằng quốc gia này không liên quan đến bất kỳ loại tội phạm nào, bao gồm rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Người phát ngôn của APG nhấn mạnh Triều Tiên đã chứng minh tính minh bạch của mình một cách khách quan và đầy đủ thông qua việc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế, bao gồm việc gia nhập Công ước Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vào năm 2016 và sửa đổi, bổ sung luật trong nước về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố sau khi gia nhập APG.
Trong khi đó, APG cho biết đã thông báo trước với Triều Tiên về nguy cơ bị tước tư cách quan sát thành viên nếu không tham gia hoạt động nào trong tổ chức.
Theo quy chế của APG, một quốc gia quan sát viên sẽ phải cho phép phái đoàn APG đến thăm để trao đổi những thông tin liên quan và hợp tác với APG để công bố báo cáo thường kỳ về việc thực hiện các biện pháp chống rửa tiền của quốc gia đó.
Được thành lập vào năm 1997, APG là nhánh châu Á - Thái Bình Dương của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF), được thành lập để thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hiện APG có 42 quốc gia thành viên, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Triều Tiên có vị trí quan sát viên APG vào tháng 7/2014./.