Triển vọng liệu pháp tế bào gốc: Tránh rơi vào “bẫy” quảng cáo
PGS-TS, bác sỹ Trần Công Toại khuyến cáo người dân muốn ứng dụng liệu pháp tế bào gốc cần đến cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép trị liệu bằng tế bào gốc, tránh rơi vào 'bẫy' quảng cáo quá sự thật.
Tế bào gốc hứa hẹn sẽ là phương thức điều trị mới cho tất cả các loại bệnh song nhiều nơi đang lợi dụng liệu pháp này để quảng cáo sai sự thật.
Đây là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Công Toại tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/5.
Với báo cáo “Tế bào gốc và những ứng dụng hiện nay,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Công Toại, Trưởng Trung tâm Nghiên cứu Y sinh - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Tế bào gốc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tế bào gốc được coi là “phát hiện của thế kỷ” với nhiều ứng dụng vào y sinh học, thẩm mỹ.
Với khả năng tự làm mới và biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau trong cơ thể, tế bào gốc đã trở thành phương pháp mới trong điều trị bệnh, y học tái tạo.
Nhiều căn bệnh nguy hiểm như một số loại ung thư, bệnh về máu, xương khớp, tim, thần kinh, phổi, gan, tụy, da, giác mạc… đã ứng dụng tế bào gốc để điều trị thành công.
Tại Việt Nam, nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đã được triển khai từ khá lâu, ngày càng có nhiều bệnh viện được cấp phép trong trị liệu.
Hiện Bộ Y tế đã cho phép sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh như bệnh lý về máu (suy tủy xương, các bệnh ung thư về máu); các bệnh về máu cần ghép tủy xương, thoái hóa khớp; bệnh lý về phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD)...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Công Toại nhận định, trong tương lai, tế bào gốc sẽ tiếp tục mang đến nhiều ứng dụng bất ngờ hơn nữa bởi các chuyên gia đang nghiên cứu thêm những tác động của phương pháp này.
Hiện các nước tiên tiến trên thế giới đang nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong làm chậm quá trình lão hóa và điều trị thoái hóa buồng trứng với nhiều tín hiệu khả quan.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Tế bào gốc Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, hiện nay liệu pháp tế bào gốc đang được quảng cáo vô cùng rầm rộ, nhất là trong lĩnh vực làm đẹp.
Hội Tế bào gốc Thành phố Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần được Sở Y tế mời tham gia hội đồng chuyên môn khi người dân khiếu kiện các cơ sở quảng cáo liệu pháp tế bào gốc nhưng trị liệu không mang lại hiệu quả.
“Sau khi chúng tôi xem xét kỹ thì những liệu pháp này hoàn toàn không phải là tế bào gốc, cơ sở y tế đã lừa dối khách hàng. Do đó, người dân muốn ứng dụng liệu pháp tế bào gốc cần đến cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép trị liệu bằng tế bào gốc, tránh rơi vào 'bẫy' quảng cáo quá sự thật của các phòng khám,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Công Toại khuyến cáo.
Cũng tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nêu bật tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong giáo dục y khoa.
Theo ông, nghiên cứu khoa học giúp các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên ngành y tìm ra những kiến thức mới, phương pháp mới trong chuyên môn. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo y khoa và góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Hội nghị khoa học kỹ thuật được Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức thường niên nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn cho giảng viên, sinh viên của trường.
Năm nay, Hội nghị diễn ra ngày 16-17/5 với hơn 300 bài báo cáo về các nghiên cứu khoa học mới thuộc các lĩnh vực răng hàm mặt, dược, huyết học, tim mạch, da liễu, ung thư, y học gia đình, y tế công cộng…
Trong đó, có những báo cáo quan trọng như "Nghiên cứu khoa học trong giáo dục y học,” “Tế bào gốc và những ứng dụng hiện nay,” “Điều trị bệnh tăng huyết áp: chiến lược phối hợp thuốc nhằm đạt mục tiêu”…
Đặc biệt, đến từ Đại học Y khoa Johannes Gutenberg, Mainz (Đức), Giáo sư, Tiến sỹ Ulrich Forstermann mang đến báo cáo các ứng dụng trong điều trị của Nitric oxide.
Hội nghị thu hút khoảng 4.500 lượt tham dự của các giảng viên, học viên, cán bộ chuyên môn trong ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam./.