Triển lãm ‘Chuyện đường’ của Đặng Hữu: Hành trình từ trực họa đến sơn mài

Được biết đến trong giới nghệ thuật là một họa sỹ trực họa ưa xê dịch, Đặng Hữu mới đây đã có một cuộc chơi với sơn mài với đầy đủ các kỹ thuật truyền thống.

Họa sỹ Đặng Hữu trong một chuyến đi vẽ "Chuyện đường." (Ảnh: NVCC)

Sau khi đã gắn bó nhiều năm với chất liệu sơn dầu, họa sỹ Đặng Hữu quyết định trải nghiệm sơn mài bằng một triển lãm cá nhân mang tên “Chuyện đường,” khai mạc ngày 15/12 tại Hà Nội.

Đây là triển lãm cá nhân lần thứ ba trong sự nghiệp của Đặng Hữu và là triển lãm đầu tiên anh giới thiệu các tác phẩm sơn mài.

Với 13 bức tranh và một số phác thảo bằng mực tàu, phấn màu, bột màu, họa sỹ kể cho công chúng nghe những câu “Chuyện đường” – những trải nghiệm khi anh một mình rong ruổi khắp mọi miền đất nước, nhìn ngắm phong cảnh thiên nhiên.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Đặng Hữu cho hay anh luôn cảm thấy mình giàu cảm xúc nhất khi đứng trước thiên nhiên, đặc biệt là vào thời điểm bình minh và hoàng hôn. Do đó, ở triển lãm lần này, người xem sẽ được ngắm những dãy núi mờ xa, những cánh rừng trong ngày Đông chí, hay từng lớp sóng biển trong ánh nắng đầu ngày hoặc buổi chiều tà.

"Hoàng hôn trên vùng cao" của họa sỹ Đặng Hữu.

Về mặt kỹ thuật, Đặng Hữu cho hay anh bắt đầu tiếp xúc với sơn mài từ năm 2008 khi đang là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ngày đó, anh mê sơn mài, cứ rảnh là mua vé vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để ngắm tranh sơn mài của các danh họa Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng... Song, duyên phận của anh với sơn mài không đủ sâu nặng.

Năm 2012, anh quyết định theo đuổi sơn dầu và lang thang trực họa. Sau 8 năm, anh trở lại với sơn mài như một thú vui, mỗi năm chỉ vẽ khoảng 3-4 bức khổ nhỏ.

Sau hai triển lãm cá nhân thì anh toàn tâm toàn ý cho sơn mài và tự tìm ra một con đường riêng cho mình ở chất liệu này.

Họa sỹ Đặng Hữu là người thích xê dịch khi sáng tác. (Ảnh: NVCC)

“Các hoạ sỹ tiền bối thường phác thảo kỹ, sau đó phóng to ra giấy can, can hình lên vóc, rồi vẽ nét, phủ bạc vụn để chặn nét. Với đam mê trực họa và những chuyến đi, tôi thường vẽ phác thảo trước, sau đó khi về xưởng mới làm sơn mài,” họa sỹ chia sẻ.

Theo đó, anh phóng nét bằng phấn lên vóc và bắt đầu bằng việc lót bạc, vàng lấy sáng rồi khoét vóc, gắn vỏ trứng, có khi vẽ lót kín vóc rồi mới khoét vóc gắn trứng.

“Sơn mài là một chất liệu khó, có sức cuốn hút kỳ lạ mà tôi muốn trải nghiệm một cách nghiêm túc. Tôi chọn sơn mài truyền thống vì tác phẩm toát lên được tính biểu tượng của nội dung và hình thức cần thể hiện, tính trừu tượng và tự nhiên của chất liệu qua quá trình mài. Tôi thường xoá nhoà các đường nét để tối giản hình và xây dựng các mảng lớn đồng thời đơn giản hoá những kỹ thuật không cần thiết, để mang đến tinh thần chắc khoẻ, cân bằng, mộc mạc và quan trọng hơn cả là sự chân thành của cảm xúc,” họa sỹ chia sẻ.

(Từ trái sang) Một số tác phẩm sơn mài được bày trong triển lãm: "Sức sống," "Độc ẩm," "Một ngọn núi cao."

Đại diện ART30 Gallery, bà Tú Mai cho rằng “Chuyện đường” là một triển lãm hấp dẫn, đánh dấu một ngã rẽ nghệ thuật của Đặng Hữu.

Người xem sẽ tò mò xem một hoạ sỹ trực hoạ sẽ mang đến những gì trong sơn mài bởi một bên là sự nhanh mạnh, hối hả của trực hoạ, một bên là sự chậm rãi, chờ đợi của sơn mài. Các vệt màu dầu uốn vặn và phô diễn đã từng là thế mạnh để chuyển tải những xúc cảm bột phát của hoạ sỹ sẽ phải trải ra như thế nào trong các công đoạn dài lâu của nhiều lớp sơn ta? Tính thời điểm của trực hoạ thường xung khắc với tính cân nhắc của sơn mài. Vậy hoạ sỹ sẽ làm thế nào để cân bằng được hai điểm đối lập này,” bà Tú Mai đặt vấn đề.

Theo chuyên gia này, họa sỹ Đặng Hữu đã vẽ sơn mài một cách tự nhiên nhất, như cách anh ứng xử với sơn dầu. Sơn mài của Đặng Hữu, dù đầy đủ các kỹ thuật truyền thống, vẫn cứ là thứ sơn mài mang dáng dấp trực hoạ. Những tình cảm nồng nhiệt mà hoạ sỹ hấp thụ được trong các chuyến đi vẽ vẫn hiện hữu đầy đủ trong sơn mài.

Triển lãm “Chuyện đường” mở cửa từ 15/12 đến 29/12 tại ART30 Gallery, 30 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.