Tranh bút sắt về lễ hội Khmer đoạt giải thưởng lớn tại cuộc thi vẽ về di sản
Tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau” đoạt Giải Xuất sắc trị giá 100 triệu đồng của Cuộc thi “Di sản Văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ I năm 2023.
Ngày 16/1, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Lễ trao giải và Triển lãm tranh từ Cuộc thi “Di sản Văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ I năm 2023.
Sau hơn 4 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả từ 55 tỉnh, thành phố. Với phương thức bỏ phiếu kín qua nhiều vòng, Hội đồng Giám khảo đã chọn 100 tác phẩm vào vòng chung khảo, trao giải cho 30 tác phẩm xuất sắc.
Tổng giải thưởng của cuộc thi trị giá hơn 1 tỷ đồng, gồm: 1 Giải Xuất sắc 100 triệu đồng; 1 Giải Nhất 75 triệu đồng; 2 Giải Nhì mỗi giải 50 triệu đồng; 4 Giải Ba mỗi giải 40 triệu đồng; 20 Giải Khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng; 70 tác phẩm được chọn vào chung khảo, mỗi tác phẩm nhận thưởng 5 triệu đồng.
Kết quả, tác giả Lại Lâm Tùng (Cà Mau) đoạt Giải Xuất sắc với tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau.” Tác phẩm có chất liệu bút sắt, màu nước, kích thước 100x200cm.
Chia sẻ sau khi đoạt giải, tác giả Lại Lâm Tùng cho biết bản thân anh không phải là họa sỹ chuyên nghiệp mà đang công tác trong lĩnh vực dầu khí. Anh Tùng có kế hoạch vẽ bức tranh này từ 10 năm trước, song vì điều kiện công việc bận rộn nên đến bây giờ mới có thời gian thực hiện. Tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau” được tác giả Lại Lâm Tùng thực hiện trong 8 tháng, trải qua quá trình kỳ công sưu tầm, tìm hiểu về truyền thống văn hóa của người Khmer.
Bằng kiến thức và trải nghiệm của mình, anh đã cố gắng thể hiện những họa tiết, đồ án trang trí trong chùa của người Khmer Nam bộ với những nét riêng độc đáo, khác hẳn chùa của người Khmer ở Campuchia.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi cho biết cuộc thi vẽ tranh Di sản Văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I năm 2023 được tổ chức hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hóa, là sân chơi rộng rãi, bổ ích, bình đẳng dành cho những người yêu di sản văn hóa, hội họa trên cả nước, khuyến khích các họa sỹ trẻ, đặc biệt là sinh viên tham dự.
“Cuộc thi nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào về kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam, từ đó, thế hệ trẻ sẽ có ý thức hơn nữa việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống,” ông Trụ nói.
Hầu hết các tác phẩm đều bám sát chủ đề cuộc thi, phản ánh những nét hay, đẹp, độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước, gồm nhiều loại hình về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Bên cạnh đó, các tác phẩm dự thi còn phản ánh tính đa dạng về thể loại, chất liệu. Nhiều nhất trong số này là acrylic với 319 tác phẩm, tác phẩm có kích thước lớn nhất là 3,8mx2,6m; nhiều tác phẩm rất công phu cả về ý tưởng, nội dung và phương pháp thể hiện. Tác giả cao tuổi nhất tham dự cuộc thi là 84 tuổi, tác giả nhỏ tuổi nhất là 9 tuổi, tác giả có nhiều tác phẩm dự thi là 8 tác phẩm.
Hoạ sỹ Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết các tác phẩm tham dự cuộc thi có nội dung phong phú ở cả nội dung di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Ở mảng di sản văn hóa vật thể, nhiều tác phẩm phản ánh di sản kiến trúc đình, đền, chùa, miếu...; di sản thiên nhiên gồm những danh thắng, phong cảnh quê hương đất nước, các Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận như Hạ Long, Huế, Hội An, Phong Nha-Kẻ Bàng…
Ở mảng di sản văn hóa phi vật thể, các tác phẩm mô tả nhã nhạc Cung đình Huế, múa hoa đăng, ca Huế, hát văn, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hò khoan Lệ Thủy, tuồng, chèo, đờn ca tài tử, múa Chăm, múa rối nước, bài chòi, cùng nhiều phong tục, tập quán, lễ hội.
Triển lãm 100 tác phẩm xuất sắc từ Cuộc thi vẽ tranh “Di sản Văn hoá Việt Nam qua hội hoạ” lần thứ I năm 2023 kéo dài đến 21/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Hội Di sản Văn hoá Việt Nam dự định sẽ tổ chức cuộc thi định kỳ 2 năm một lần. Cuộc thi tiếp theo sẽ được thực hiện vào năm 2025 với cơ chế, cơ cấu giải thưởng và trị giá giải thưởng như cuộc thi lần này./.
Một số tác phẩm trong triển lãm: