Trái cây Việt Nam còn nhiều tiềm năng tiếp cận thị trường Italy
Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Italy đề xuất trước mắt hai bên sẽ thảo luận việc xây dựng khuôn khổ phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác xuất nhập khẩu trái cây với Việt Nam.
Ngày 14/9, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã có buổi gặp làm việc với Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Italy (Fruitimprese), ông Marco Salvi và Tổng Giám đốc Fruitimprese, ông Pietro Mauro.
Tham dự buổi làm việc còn có các đại diện từ Liên đoàn Giới chủ Nông nghiệp Italy (Confagricoltura) và một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cùng dự trực tuyến.
Tại buổi làm việc, Đại sứ Dương Hải Hưng đã giới thiệu sự đa dạng, những ưu điểm của mặt hàng nông sản trái cây Việt Nam, thế mạnh và sự phát triển hết sức năng động của kinh tế Việt Nam hiện nay, các điều kiện thuận lợi trong quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Đại sứ khẳng định Việt Nam là nhà cung ứng nông sản sạch, chất lượng cao, phát thải thấp, có trách nhiệm, minh bạch và bền vững trên thị trường quốc tế.
Đại sứ Dương Hải Hưng bày tỏ mong muốn Việt Nam và Italy tăng cường trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực này, trong đó có việc mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản trái cây Việt Nam tại Italy như nhập khẩu trái cây tươi, đặc biệt là các loại quả như thanh long, măng cụt, vải, chanh dây, bơ, xoài, dừa... đã được Đại sứ quán giới thiệu và người tiêu dùng Italy quan tâm, thích thú tại các Hội chợ Macfrut trong những năm gần đây.
Về phần mình, Chủ tịch Marco Salvi cho biết Việt Nam và Italy đều là những nước có thế mạnh về nông nghiệp, có quan hệ chính trị tốt đẹp và là đối tác thương mại lớn của nhau.
Theo ông Salvi, hiện là thời điểm vàng để hai bên có sự phối hợp cụ thể thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này và mọi sáng kiến hợp tác sẽ được Fruitimprese hết sức hoan nghênh và ủng hộ.
[Việt Nam và Italy là đối tác quan trọng của nhau trong nông nghiệp]
Ông Marco Salvi cho hay Italy nhập khẩu rất nhiều hạt điều từ Việt Nam, trong khi Italy vừa là nước xuất khẩu vừa là nước nhập khẩu trái cây lớn của thế giới.
Năm 2022, Italy đã nhập khẩu lượng sản phẩm rau, củ, quả trị giá 4,5 tỷ euro (4,8 tỷ USD) từ nhiều quốc gia, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam còn nhiều tiềm năng.
Fruitimprese hoan nghênh và đánh giá cao đề xuất của Đại sứ Dương Hải Hưng về việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên. Ông Salvi đề xuất trước mắt hai bên sẽ thảo luận việc xây dựng khuôn khổ phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác xuất nhập khẩu trái cây với Việt Nam. Phía Italy có thể cung cấp nhiều loại trái cây thế mạnh như kiwi, lê, táo... cũng như các loại máy móc nông nghiệp tiên tiến.
Fruitimprese được thành lập năm 1949 với tên gọi đầy đủ là Hiệp hội Quốc gia các nhà Xuất Nhập khẩu Trái cây, Rau và Trái cây có múi của Italy. Đây là Hiệp hội độc lập, đại diện và bảo vệ các doanh nghiệp trong lĩnh vực rau quả.
Hiệp hội có số lượng thành viên lớn, bao gồm các công ty hoạt động trong nhiều công đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng, gồm nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ, tổ chức sản xuất, các nhóm thương mại và công nghiệp nhỏ và lớn./.