TP Hồ Chí Minh: Xây dựng nền hành chính kiến tạo để phục vụ người dân tốt hơn
Thành phố đang định hướng xây dựng Đề án Xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hướng đến chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn.
Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến lớn trong thực hiện cải cách hành chính, thể hiện rõ ở khảo sát mức độ hài lòng của người dân rất cao.
Phát huy những kết quả này, Thành phố đang định hướng xây dựng Đề án “Xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030,” hướng đến chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn.
Mức độ hài lòng dân cao
Trong năm 2023, Thành phố thực hiện 88/88 nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch cải cách hành chính, đạt 100%.
Để đạt hiệu quả, Thành phố đã chú trọng chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai công tác cải cách hành chính.
Đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình công tác cải cách hành chính cũng được thành lập và triển khai kiểm tra, khảo sát đối với 25 cơ quan, đơn vị.
Hiệu quả được thể hiện rõ rệt khi các địa phương, đơn vị thực hiện nhiều giải pháp hay để phục vụ người dân. Như Phòng Quản lý đô thị huyện Hóc Môn áp dụng mô hình cấp chứng nhận số nhà cùng giấy phép xây dựng trong một lần.
Trước đây, khi thực hiện riêng 2 quy trình đăng ký, người dân phải đi lại ít nhất 6 lần đối với hồ sơ đủ điều kiện, tổng thời gian giải quyết của 2 quy trình là 25 ngày làm việc; nhưng nay đã nhanh gọn hơn nhiều.
Ủy ban Nhân dân Quận 12 cũng rút ngắn thời gian giải quyết đối với 29 thủ tục hành chính. Đơn cử như hồ sơ thủ tục “cấp lại đăng ký kinh doanh - thay đổi nội dung kinh doanh, cấp lại đăng ký kinh doanh - chấm dứt hoạt động kinh doanh,” giảm thời gian giải quyết từ 6 ngày làm việc xuống còn 3 ngày. Việc này tạo điều kiện thuận lợi, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Theo bà Lê Thị Thành (phường Hiệp Thành, Quận 12), vừa rồi gia đình bà có làm hồ sơ thay đổi nội dung kinh doanh, thấy được địa phương xử lý khá nhanh. Là người kinh doanh nhỏ, những người như bà không có nhiều kinh nghiệm trong các thủ tục, nhưng được cán bộ hướng dẫn đầy đủ nên giải quyết dễ dàng.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 12, trong năm qua, quận đã tiếp nhận 24.419 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,87%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 64%. Địa phương luôn khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục trực tuyến. Quận cũng nỗ lực thực hiện Chuyển đổi Số, ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân tốt hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân ở các cơ quan, đơn vị.
Kết quả đánh giá thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức qua các thiết bị đánh giá hài lòng (kiosk, tablet) trong một năm qua cho thấy có 473.925 lượt đánh giá với tỷ lệ hài lòng đạt 99,4%, bình thường 0,19%, không hài lòng 0,42%. Đánh giá về chất lượng chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công qua trang web có 9.115 lượt đánh giá với tỷ lệ hài lòng 99,4%, bình thường 0,57%, không hài lòng 0,02%.
Để có kết quả trên, cùng với những giải pháp đã được triển khai sâu rộng, Thành phố có thêm rất nhiều hoạt động nâng chất lượng trong cải cách hành chính như phong trào thi đua “Cải cách hành chính” giai đoạn 2023-2025, thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công... tạo nên sự quyết tâm cao độ trong thực hiện cải cách hành chính. Lần đầu tiên, hội thi sáng tạo cải cách hành chính cũng được tổ chức, thu hút nhiều mô hình, giải pháp của tập thể và cá nhân.
Thành phố đã giao Sở Nội vụ thực hiện khảo sát mô hình, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính tại các đơn vị để có thể nhân rộng. Thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị triển khai, thực hiện kế hoạch cải thiện Chỉ số Cải cách Hành chính (PAR Index) và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn.
Xây dựng nền công vụ hiệu quả
Ủy ban Nhân dân Thành phố đang tổ chức nghiên cứu và hoàn thiện Đề án Xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, hứa hẹn hoàn thiện hơn nữa nền hành chính kiến tạo. Thành phố cũng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhằm phát huy hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ, Thành phố chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, góp phần cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo nguyên tắc cơ quan, đơn vị, cấp nào thực hiện hiệu quả sẽ phân cấp, ủy quyền cho cơ quan, đơn vị đó thực hiện. Việc ủy quyền phải đảm bảo các nguyên tắc như cơ quan, đơn vị được ủy quyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp thực tiễn và mang lại hiệu quả, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cấp dưới.
Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng đã kiện toàn quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị; rà soát, thực hiện sắp xếp tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn đầu mối, phù hợp tình hình thực tiễn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị.
Tại thành phố Thủ Đức, thực hiện Nghị quyết 98, đến nay địa phương đã thành lập Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố Thủ Đức; thí điểm thành lập 3 trung tâm gồm An sinh xã hội, Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Phát triển hạ tầng kỹ thuật; 2 tổ chức hành chính mới là Phòng Giao thông công chính, Trung tâm Hành chính công. Thủ Đức cũng điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn trực thuộc.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết thành phố Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành việc thành lập các đơn vị mới, sắp xếp, củng cố, kiện toàn tên gọi và nhân sự các cơ quan, đơn vị theo Nghị quyết 98 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố Thủ Đức từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo lộ trình.
Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Sở An toàn thực phẩm, tăng số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, phường, xã, thị trấn với những địa phương dân số đông; quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn...
Cuối tháng 1/2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã quyết định thành lập Trung tâm Chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Những thay đổi trên từng bước sẽ nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính thành phố, thông qua các chính sách về chi thu nhập tăng thêm dựa trên hiệu quả công việc cho cán bộ, công chức, viên chức.
Việc tăng biên chế đối với các xã, phường đông dân, tăng cường phân cấp, ủy quyền và phối hợp tổng thể các chính sách khác sẽ tạo động lực làm việc của đội ngũ, thúc đẩy thái độ hăng hái, tích cực hơn.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, năm 2024, triển khai Đề án Xây dựng nền công vụ Thành phố hiệu lực hiệu quả, Thành phố sẽ chuẩn hóa lại nền công vụ, tổ chức bộ máy phù hợp với quy trình, các chính sách phát triển đội ngũ và hiện đại hóa nền công vụ.
Thành phố cũng tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc trong phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để tạo sự chủ động, phát huy năng lực của các sở ngành, địa phương.
Với Đề án này, Thành phố sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ; hiện đại hóa nền công vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ thuê ngoài và thuê nhân sự quản lý.
Đề án cũng xác định nhóm chính sách, nhiệm vụ trọng tâm cần đổi mới, hoàn thiện về công tác tuyển dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng nhằm tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo của đội ngũ.
Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng xác định sẽ tăng cường kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ, việc thực hiện quy tắc ứng xử theo hướng đột xuất, không báo trước; đặc biệt kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính.
Những việc làm này đều hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính kiến tạo, mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp./.