TP. Hồ Chí Minh triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh năm 2023
Mục đích của việc đánh giá năng lực cạnh tranh là giúp đề ra giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Ngày 2/11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) nhằm khảo sát, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.
Mục đích của việc đánh giá năng lực cạnh tranh là giúp đề ra giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong các lĩnh vực được khảo sát.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), cho biết nhằm kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại của bộ tiêu chí DDCI 2022, Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng bộ tiêu chí DDCI 2023 với nhiều điểm mới sát với yêu cầu thực tế và xu hướng phát triển.
[Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương TP.HCM năm 2022]
Cụ thể, Thành phố sẽ thực hiện khảo sát chỉ số về “Tiếp cận minh bạch Thông tin và Chuyển đổi Số” (gộp chung chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” và chỉ “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số” của năm 2022 nhằm đáp ứng xu hướng ứng dụng chuyển đổi số để tăng cường tiếp cận thông tin); tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban ngành và chính quyền địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (với khối địa phương).
Riêng chỉ số “Vai trò người đứng đầu sở, ngành, chính quyền địa phương” được đưa vào thành chỉ tiêu đánh giá trong chỉ số thành phần “Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị.”
Đặc biệt, khảo sát năm 2023 bổ sung 2 chỉ số mới: “Chỉ số Xanh” tham chiếu theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022 và định hướng thúc đẩy Kinh tế Xanh của lãnh đạo Thành phố; “Chỉ số sức khỏe và môi trường” theo thông lệ quốc tế và định hướng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Tài chính Quốc tế.
Theo bà Cao Thị Phi Vân, việc đánh giá chỉ số DDCI nhằm giúp các đơn vị và địa phương thấy được những điểm mạnh điểm yếu, từ đó có các biện pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
Đồng thời, đánh giá được trách nhiệm xã hội và năng lực quản trị của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; từ đó hướng tới đo lường và cải thiện thường lực quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Thông qua việc công bố kết quả đánh giá sẽ tạo kênh thông tin minh bạch, tin cậy và rộng rãi để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban ngành Thành phố.
Chỉ số DDCI cũng giúp Thành phố Hồ Chí Minh có chiến lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Theo kế hoạch, đơn vị đánh giá độc lập sẽ phát ra 50.000 phiếu khảo sát và dự kiến thu về 15.000 phiếu.
Đối tượng khảo sát chỉ số DDCI 2023 bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã.
Thời gian khảo sát từ nay đến tháng 1/2024, công bố kết quả vào tháng 2/2024.
Yêu cầu kết quả đánh giá phải đảm bảo phân tích đầy đủ, so sánh với kết quả đánh giá năm 2022, làm rõ những gợi ý chính sách, khuyến nghị cho từng sở, ngành, địa phương nói riêng và Thành phố nói chung.
Bên cạnh kết quả khảo sát doanh nghiệp, kết quả DDCI năm 2023 sẽ bao gồm sự tham vấn từ các chuyên gia, doanh nghiệp, tư vấn độc lập, nhất là các nhà đầu tư chiến lược để có những đánh giá nhiều chiều về các chính sách do Chính phủ ban hành và hiệu quả trong cách thức triển khai của chính quyền địa phương.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc đánh giá DDCI nhằm giúp các đơn vị và địa phương thấy được những điểm mạnh điểm yếu, từ đó có các biện pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
Đồng thời, đánh giá được trách nhiệm xã hội và năng lực quản trị của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; từ đó hướng tới đo lường và cải thiện thường niên năng lực quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tạo kênh thông tin minh bạch, tin cậy và rộng rãi để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban ngành Thành phố.
DDCI cũng giúp thành phố có chiến lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
“Nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thực hiện đánh giá và được đánh giá là rất quan trọng đối với kết quả DDCI. Hội đồng đánh giá, các chuyên gia, các nhà tư vấn, công ty, nhà đầu tư nghiên cứu cần góp ý thẳng thắn, khuyến nghị các giải pháp hiệu quả cho Thành phố. Dựa trên kết quả đánh giá DDCI, Thành phố sẽ chọn ra một số lĩnh vực liên quan đến các điểm nghẽn cần khắc phục ngay để tập trung triển khai những giải pháp, mô hình, cách làm, mục tiêu cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc cho môi trường đầu tư, kinh doanh,” ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia khảo sát đạt chất lượng cao, đúng tiến độ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn các cơ quan truyền thông đồng hành, chú trọng các hình thức tuyên truyền, phương thức truyền thông đa dạng, nhiều chiều nhằm thu hút rộng rãi số lượng doanh nghiệp quan tâm và tham gia khảo sát chỉ số DDCI, đảm bảo hiệu ứng truyền thông đến tất cả các sở, ban ngành Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp trên cơ sở công khai, minh bạch, rõ ràng thông tin.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), chia sẻ đây là năm thứ hai Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đánh giá chỉ số DDCI với đối tượng khảo sát được mở rộng hơn, các chỉ số đánh giá mang tính chuyên sâu hơn và phù hợp với xu hướng phát triển chung.
Đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp thành phố phản ánh, đánh giá chất lượng các dịch vụ công, chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh và đề xuất các giải pháp cải thiện hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Với vai trò kết nối, HUBA sẽ tích cực phổ biến thông tin, tuyên truyền vận động đến doanh nghiệp, hội viên tích cực tham gia khảo sát, đánh giá một cách khách quan nhất./.