TP Hồ Chí Minh: Tạo không khí làm việc sôi động ngay từ đầu Năm mới
TP Hồ Chí Minh sẽ quyết liệt xử lý các vướng mắc trong giải ngân đầu tư công để dẫn dắt đầu tư xã hội; đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngày 1/2, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết Quý Mão và tình hình kinh tế-xã hội tháng Một, triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 2/2023.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố tổ chức tốt hoạt động chăm lo cho các đối tượng dịp Tết Nguyên đán 2023, bảo đảm toàn dân được đón Tết ấm no, hạnh phúc. Công tác chăm sóc sức khỏe và y tế được chú trọng. Địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổng kinh phí chăm lo Tết Quý Mão tại thành phố là hơn 1.229 tỷ đồng, tăng trên 167 tỷ đồng so với Tết Nhâm Dần 2022 nhằm tặng thêm quà cho người có công trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đang sinh sống tại thành phố, trẻ em mồ côi và tăng kinh phí xã hội hóa.
Thành phố quản lý tốt thị trường, nguồn hàng hóa dồi dào, giá ổn định, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua thống kê, sức mua, nhu cầu tiêu dùng, sắm Tết năm nay tăng khoảng 4-5 % so với năm trước. Thành phố quan tâm, theo dõi công tác giám sát trả lương, thưởng trước và dịp Tết, phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội thành phố đề ra biện pháp tăng cường giám sát việc chi trả lương, thưởng và khoản trợ cấp, hỗ trợ người lao động bảo đảm chu đáo, đầy đủ, kịp thời.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2023 đạt nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,7%; doanh thu du lịch tăng 16,8%. Giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp ước đạt 911,2 tỷ đồng, tăng 3,8%. Thu hút đầu tư đạt khoảng 179 triệu USD, tăng 73,8%; trong đó có 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86,86 triệu USD, tăng 127,8%.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực có mức giảm như tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước trong tháng ước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 13%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 21%; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 15%.
Nguyên nhân do Tết năm nay đến sớm và thời gian hoạt động sản xuất trong tháng 1/2023 ít hơn so với tháng 12/2022.
[Thành phố Hồ Chí Minh: Nhu cầu tuyển dụng lao động gia tăng sau Tết]
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trân trọng cảm ơn các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân đã chung tay chăm lo Tết Nguyên đán 2023.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, các cấp, ngành quan tâm công tác dự báo, nắm chắc tình hình để chuẩn bị giải pháp ứng phó, không để bị động, bất ngờ.
Bên cạnh đó triển khai nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị; nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo không khí sôi nổi ngay trong tháng đầu Năm mới.
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, từ nay đến cuối năm thành phố phải "vượt lên" bằng những giải pháp hữu hiệu để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8%, nhằm hướng tới ngưỡng Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị giao cho thành phố (mức tăng trưởng bình quân năm từ 8-8,5%).
Do đó, thành phố phải khởi động nhanh các hoạt động, đòi hỏi sự điều hành quyết tâm, quyết liệt và linh hoạt, cụ thể hơn; tăng cường phân cấp, giao quyền; điều hành, siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tháng 1/2023, thành phố vẫn còn nhiều khó khăn; dự báo khó khăn sẽ kéo dài đến hết quý 1/2023. Vì vậy thành phố phải có hành động ngay trong tháng Hai để rút ngắn thời gian, chặn đà suy giảm và sớm phục hồi trở lại.
Theo ông Phan Văn Mãi, thành phố sẽ quyết liệt xử lý các vướng mắc trong giải ngân đầu tư công để dẫn dắt đầu tư xã hội. Các sở ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai đầy đủ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Ủy ban Nhân dân thành phố đề ra; rà soát, đề ra tiến độ thực hiện nội dung, nhiệm vụ được phân công trong năm 2022 nhưng chưa hoàn thành.
Đặc biệt, chú trọng tiếp xúc, làm việc với tổ chức, doanh nghiệp nhằm lắng nghe, nắm bắt tình hình, đưa ra giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thành phố tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo như tăng cường xây dựng các bài toán phục vụ hoạt động chuyển đổi số của thành phố trong lĩnh vực y tế, giáo dục, quản trị công.../.