TP Hồ Chí Minh: Tăng cường quản lý Nhà nước với dịch vụ tư vấn du học
Thị trường tư vấn du học vẫn còn tồn tại nên các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các quy định, chế tài xử lý vi phạm, việc xây dựng doanh nghiệp tư vấn du học có đạo đức.
Ngày 30/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo về công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, nhu cầu du học của học sinh, sinh viên Việt Nam không ngừng gia tăng. Việc học sinh, sinh viên du học ở nhiều quốc gia phát triển không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu cho các em mà còn đóng góp tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Nhu cầu gia tăng nên dịch vụ tư vấn ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở nên quan trọng trong việc kết nối các trường học, chương trình đào tạo quốc tế với học sinh, sinh viên Việt Nam. Không chỉ cung cấp thông tin ngành học, các dịch vụ tư vấn du học còn hỗ trợ quá trình chuẩn bị học tập ở nước ngoài, lựa chọn trường học, xin visa, thích nghi với môi trường học tập quốc tế cho học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định bên cạnh những mặt đã tích cực, công tác quản lý và kiểm soát chất lượng các đơn vị tư vấn du học còn nhiều thách thức. Thực tế, thời gian qua đã có một số vụ việc trung tâm tư vấn du học cung cấp thông tin sai lệch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, tác động xấu đến hình ảnh của các tổ chức giáo dục quốc tế cũng như uy tín của hệ thống giáo dục Việt Nam.
Sự phát triển nhanh chóng của thị trường dịch vụ tư vấn du học đặt ra yêu cầu cần có giải pháp quản lý mới, phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ này.
Theo Cục Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có hơn 2.800 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đang hoạt động, tập trung nhiều ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số thị trường thu hút nhiều du học sinh Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Hoa Kỳ… Phần lớn du học sinh Việt Nam di chuyển quốc tế có sử dụng toàn phần hoặc một phần dịch vụ do các công ty tư vấn du học cung cấp.
Theo đánh giá của Cục Hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp tư vấn du học ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là hỗ trợ hồ sơ, xin visa, tư vấn chương trình học bổng cho học sinh. Sự minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh đã được cải thiện, góp phần tạo nên một môi trường tư vấn lành mạnh.
Tuy nhiên, thị trường tư vấn du học vẫn còn tồn tại tình trạng tư vấn không minh bạch, gây thiệt hại cho học sinh và phụ huynh; thu phí không đúng quy định hoặc thu phí mà không thực hiện tư vấn rồi bỏ trốn; tư vấn cho học sinh và gia đình đến những cơ sở đào tạo kém chất lượng do được trả phí hoa hồng cao.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực này còn tồn tại các chương trình du học trá hình, văn phòng tư vấn du học “ma.” Nhiều địa phương chưa có đội ngũ nhân sự đủ mạnh để giám sát doanh nghiệp trên địa bàn.
Một số địa phương gặp khó khăn khi các công ty được thành lập ở nơi khác nhưng tổ chức quảng cáo tuyển sinh ở địa bàn thông qua các đại lý ủy quyền hoặc qua mạng xã hội… Do đó thời gian tới, việc phối hợp giữa ngành Giáo dục Trung ương và địa phương trong quản lý, đặc biệt là giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm sẽ được tăng cường hơn nữa.
Các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các quy định, chế tài xử lý vi phạm, việc xây dựng doanh nghiệp tư vấn du học có đạo đức là đặc biệt quan trọng. Bởi ngoài kinh doanh, các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn du học phải thể hiện trách nhiệm xã hội, vì đây là lĩnh vực đặc thù, liên quan tới con người./.