TP Hồ Chí Minh quan tâm tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa sẽ mất nhiều thời gian hơn so với các công trình thuộc các lĩnh khác.

Toàn cảnh di tích Lò gốm Hưng Lợi, phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh, nhìn từ trên cao là bãi đất trống đầy cỏ. (Nguồn: báo Tuổi trẻ)

Vấn đề bảo tồn di tích lịch sử-văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh đang được người dân quan tâm, đặc biệt là việc trùng tu, sửa chữa các di tích xuống cấp như Lăng Trương Tấn Bửu, phường 8, quận Phú Nhuận; và Lò gốm cổ Hưng Lợi, phường 16, quận 8.

Trong số đó, di tích quốc gia Lăng Trương Tấn Bửu đã xuống cấp khá nghiêm trọng, nhiều chỗ bị vỡ, nứt nhưng chưa được trùng tu. Ban quản lý di tích không cho người dân vào tham quan. Trong khi đó di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi đã không còn dấu tích.

Chiều 5/12, tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế-xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin về định hướng, kế hoạch trong việc trùng tu và bảo vệ các di tích.

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh thông tin di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi hiện đã xuống cấp, sụp đổ phần lò phía trên, chỉ còn lại nền móng công trình. Thành phố đã triển khai trùng tu, tôn tạo di tích này nhưng dự án đang bị chậm tiến độ do việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai phức tạp, khiếu nại kéo dài.

Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị dự kiến được giao làm chủ đầu tư) đang lập phương án, khái toán tổng mức đầu tư để đề xuất bố trí nguồn vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Dự kiến, đơn vị sẽ triển khai tu bổ, phục hồi di tích này trong giai đoạn 2026-2030.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân quận 8 cơ bản đã xây dựng xong tường rào bảo vệ di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi đối với diện tích đất thuộc sở hữu Nhà nước; tăng cường công tác an ninh để di tích không bị lấn chiếm, xâm hại.

Đối với di tích quốc gia Lăng Trương Tấn Bửu, Sở nêu rõ hiện nay khu vực nấm mộ, bình phong, thành mộ đã bong tróc, nứt một số nơi. Hoa văn vẽ trang trí bình phong hậu bị xuống cấp theo thời gian. Do đó, việc trùng tu di tích này phải phù hợp với kiến trúc, chất liệu nhằm đảm bảo được nét cổ kính của di tích.

Ủy ban Nhân dân quận Phú Nhuận cùng Ban Quản lý di tích Lăng Trương Tấn Bửu từ năm 2020 đến nay chưa có đề xuất tu bổ, phục hồi. Sắp tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trao đổi với Ủy ban Nhân dân quận Phú Nhuận về tu bổ, phục hồi di tích Lăng Trương Tấn Bửu.

Lăng mộ Trương Tấn Bửu ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. (Nguồn: báo Thanh niên)

Về việc Ban Quản lý di tích Lăng Trương Tấn Bửu không cho người dân vào tham quan, chụp ảnh, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết có một gia đình sinh sống, trông coi di tích từ trước năm 1975 nên việc tiếp cận tham quan, tìm hiểu khó khăn hơn các di tích khác.

Thành phố không có quy định cấp giấy phép cho các tổ chức và cá nhân đến tham quan di tích nhưng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Phú Nhuận vẫn hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân tham quan tìm hiểu các di tích khi có yêu cầu. Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố sẽ trao đổi với Ủy ban Nhân dân, Phòng Văn hóa và Thông tin quận Phú Nhuận về phản ánh trên của người dân.

Tính đến cuối năm 2024, Thành phố đã có 193 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng; trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, Thành phố còn có hơn 130 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử-văn hóa, được bảo tồn, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định khác có liên quan.

Việc tu bổ các di tích được đề xuất bố trí sử dụng chủ yếu từ ngân sách sử dụng cho các di tích thuộc sở hữu Nhà nước và di tích không có nguồn thu, không có nguồn vốn xã hội hóa; nguồn vốn xã hội hóa sử dụng cho các di tích có nguồn thu, được các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích vận động, bố trí.

Việc bảo vệ các di tích cấp quốc gia ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay được Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban Nhân dân các cấp huyện, xã, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định khác có liên quan.

Từ năm 2021 đến nay, không có tình trạng xâm hại di tích, mất hiện vật tại di tích; không có sinh hoạt tín ngưỡng-tôn giáo tại di tích trái quy định; an ninh, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Các di tích quốc gia thu hút ngày các nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa sẽ mất nhiều thời gian hơn so với các công trình thuộc các lĩnh khác do phải thực hiện theo nhiều quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng… Do đó, cần sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cùng nhiều sở, ngành liên quan đối với di tích quốc gia.

Từ năm 2021 đến nay, nguồn ngân sách bố trí cho việc trùng tu di tịch tại Thành phố đạt hơn 700 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa đạt gần 600 tỷ đồng./.