TP Hồ Chí Minh: Nhiều thách thức tác động đến “sức khỏe” doanh nghiệp sản xuất
Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà ngày càng nhiều thị trường đang yêu cầu ở các nhà cung cấp.
Mặc dù, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực đóng góp vào sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng nhiều thách thức trong và ngoài nước đang tác động đến “sức khỏe” doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, với bối cảnh kinh tế toàn cầu như hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất phải nắm bắt và chuyển đổi sản xuất theo xu hướng thị trường, nhất là tiêu chuẩn sản phẩm phải đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng toàn cầu.
Phục hồi sản xuất chưa bền vững
Theo đại diện các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh, nguy cơ bất ổn của kinh tế toàn cầu như xung đột vũ trang Nga-Ukraine kéo dài, xung đột leo thang dải Gaza, căng thẳng tại Biển Đỏ, an ninh vận tải, năng lượng, lương thực, thực phẩm bị đe doạ… đang tạo ra hàng loạt khó khăn mới cho doanh nghiệp sản xuất.
Hay những thách thức không nhỏ đến từ nội tại nền kinh tế trong nước là vốn, thị trường tiêu thụ, chính sách… đang đặt ra bài toán cho doanh nghiệp sản xuất phải nhanh chóng chuyển đổi bắt kịp xu hướng thị trường mới.
Cụ thể, về hoạt động sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6/2024, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Tính 6 tháng đầu năm 2024 thì chỉ số IIP đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ và đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất bốn ngành công nghiệp trọng điểm (hóa dược, chế biến lương thực-thực phẩm, cơ khí, sản xuất hàng điện tử) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,0% so với cùng kỳ, thấp hơn 0,6 điểm % so với IIP toàn ngành công nghiệp.
Còn chỉ số sản xuất ba ngành công nghiệp truyền thống (sản xuất trang phục, dệt may, sản xuất da và các sản phẩm liên quan) 6 tháng đầu năm 2024 giảm 2,3% so với cùng kỳ.
Những con số này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang có sự phục hồi nhưng chưa bền vững trong những tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, chỉ số lao động làm việc tại nhóm doanh nghiệp ngành công nghiệp trong tháng 6/2024 chỉ tăng 0,7% so với tháng trước và giảm 1,5% so với cùng kỳ, cũng thể hiện lao động ở một số ngành đang giảm mạnh.
Trước bối cảnh này, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất cần chủ động kích hoạt chiến lược cải thiện “sức khỏe” để kịp thời thích nghi với diễn biến mới của kinh tế trong và ngoài nước.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải phát huy tinh thần đã tham gia thị trường thì luôn đảm bảo đáp ứng hệ thống chất lượng không chỉ theo tiêu chuẩn nội địa, mà còn theo chuẩn mực toàn cầu mới tìm kiếm được cơ hội đa dạng thị trường.
Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá chuyển đổi sang sản xuất bám sát xu hướng thị trường không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, như hiện nay doanh nghiệp muốn tồn tại phải vượt qua bài toán “xanh” hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải…
Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà ngày càng nhiều thị trường trên toàn cầu đang yêu cầu ở các nhà cung cấp.
Để nâng cao vị thế trên thị trường, các doanh nghiệp sản xuất nói riêng, thương hiệu Việt nói chung, cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả.
Ngoài ra, sự hỗ trợ và cơ chế chính sách thúc đẩy hợp tác, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại… của Chính phủ, sự đồng hành của mạng lưới hiệp hội ngành hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và gia tăng “sức khỏe” doanh nghiệp sản xuất, thương hiệu Việt cả trong nước và trên thị trường quốc tế.
Thích nghi với áp lực thị trường mới
Tính đến nay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu với kinh tế khu vực và thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đã và đang trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của rất nhiều nhóm ngành hàng một cách toàn diện, cũng như từng bước khẳng định được vị thế.
Thống kê, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết khoảng 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó khoảng 3 hiệp định thế hệ mới. Những hiệp định này, đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của nền kinh tế và lĩnh vực xuất khẩu.
Đặc biệt, khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cùng với những cơ hội thì doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu áp lực ngày càng tăng từ phía người mua trên toàn cầu như yêu cầu về giảm thải khí hiệu ứng nhà kính và dấu chân môi trường.
Đồng thời, khách hàng ngày càng nên hiểu biết hơn và tận tâm hơn với “giá trị xanh” và họ thay đổi hành vi mua hàng theo những xu hướng mang lại giá trị này.
Theo bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Secoin, một số xu hướng thị trường mới, nhất là trên thị trường quốc tế, thì phổ biến là yêu cầu cao về tiêu chuẩn môi trường và người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm xanh. Do đó, doanh nghiệp sản xuất cần tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững mới có thể cải thiện “sức khỏe,” nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc khai thác những cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ về chuyển đổi mô hình sản xuất xanh.
Bà Võ Thị Liên Hương cũng phân tích thêm, vấn đề đầu tư công nghệ, nghiên cứu phát triển nhằm cải tiến quy trình sản xuất, sản phẩm luôn là một trong những giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp sản xuất tăng trưởng và tạo dựng thương hiệu bền vững.
Điển hình, doanh nghiệp có thể phải đầu tư ban đầu lớn cho việc ứng dụng công nghệ sản xuất xanh mới, nhưng trong bối cảnh thương mại xanh hiện nay cho thấy sự cần thiết của công nghệ tiên tiến trong sản xuất không chỉ giúp đa dạng sản phẩm mà còn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Còn từ kinh nghiệm của doanh nghiệp sản xuất, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketting Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) cũng chỉ ra rằng chưa bàn đến vấn đề phát triển bền vững, mà để duy trì “sức khỏe” doanh nghiệp trong cạnh tranh thì điều tiên quyết hàng đầu là phải tập trung chất lượng sản phẩm, bởi nếu không có sản phẩm chất lượng thì không thể duy trì thương hiệu.
Đồng thời, hành trình phát triển của doanh nghiệp qua mỗi thời kỳ, giai đoạn… cần chú trọng đổi mới hình thức phân phối, bán lẻ, cũng như theo thị hiếu người tiêu dùng.
Nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, hướng đi của SCC là bám sát và đồng hành cùng các đối tác ngay từ đầu, để sản phẩm khi xuất khẩu đảm bảo đáp ứng được ngay những tiêu chuẩn của thị trường.
Hiện tại, SCC đang đẩy mạnh thâm nhập vào một số thị trường khó tính như Nhật Bản và nghiên cứu thị trường Ấn Độ.
Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp sản xuất khác tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ doanh nghiệp muốn duy trì hoặc cải thiện “sức khỏe” nội lực thì quy trình sản xuất xanh sẽ là một lựa chọn giúp tăng cường hiệu quả tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm lãng phí, tiết kiệm chi phí và đáp ứng xu hướng tiêu dùng toàn cầu.
Trong số đó, những sáng kiến xanh và đổi mới công nghệ theo hướng tăng cường lợi ích cho môi trường, cộng đồng đã cho thấy có mối tương quan cộng hưởng với năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu và sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp./.