TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp xây dựng "pháo đài" bền vững cho hàng Việt
Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang phát triển về chiều sâu, không chỉ dừng lại ở yếu tố chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả… mà ngày càng hướng đến sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chuỗi cung ứng nội địa bền vững sẽ tạo "đòn bẩy" duy trì mức tăng trưởng thương mại hàng Việt trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp đủ sức đề kháng bằng năng lực cạnh tranh chất lượng và giữ lấy niềm tin của người tiêu dùng.
Đây là nhận định của cơ quan quản lý, chuyên gia và nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong đáp ứng mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay về sức khỏe và an toàn thực phẩm.
Nhận diện xu hướng tiêu dùng mới
Kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố cho thấy thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang phát triển về chiều sâu, không chỉ dừng lại ở yếu tố chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả…, mà ngày càng hướng đến sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Xu hướng lựa chọn sản phẩm "xanh" và "sạch" thân thiện môi trường, hoặc đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng trở thành ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt.
Cụ thể, có 69% người tiêu dùng chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe hoặc đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng và 45% chọn sản phẩm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất hữu (có chứng nhận organic) có tỷ lệ người chọn mua là 25%.
Theo ông Vũ Văn Phượng, đại diện Ban tổ chức cuộc khảo sát điều tra bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024, qua cuộc khảo sát cho thấy các kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế, nhất là cửa hàng chuyên, cửa hàng tạp phẩm, đại lý… trong việc cung ứng hầu hết các loại sản phẩm tiêu dùng. Còn các kênh phân phối thích ứng cách linh hoạt phương thức bán hàng mới, ngày càng chuyên nghiệp như cho phép đặt hàng qua nền tảng mang xã hội, thanh toán (không dùng tiền mặt) qua ví điện tử, chuyển khoản qua ngân hàng…
Tính đến nay mua sắm trực tuyến (online) không chỉ được duy trì mà tiếp tục gia tăng trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Đáng chú ý, thời gian gần đây các kênh bán hàng online đã thích ứng và khai thác tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của người tiêu dùng với hình thức live-stream bán hàng và dự kiến sẽ tiếp tục "nở rộ" với sự đầu tư đa kênh, đa nội dung…
Trong khi đó, báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, với tốc độ tăng trưởng 37% doanh thu thương mại điện tử, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử sôi động, với quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn nhất nước.
Thống kê năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có doanh số mua hàng thương mại điện tử cao nhất nước, đạt 6,2 tỷ USD (chiếm 29% quy mô cả nước); doanh số bán hàng được tính theo vị trí đặt kho hàng đạt 4,7 tỷ USD (chiếm 23% quy mô cả nước).
Mặt khác, tổng doanh thu thương mại điện tăng nhưng số lượng nhà bán hàng trực tuyến giảm 18,52%, cũng cho thấy thị trường thương mại điện tử đang sàng lọc và ngày càng cạnh tranh gay gắt với thói quen người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn nhà bán hàng uy tín nên đơn vị nào không có chiến lược phù hợp sẽ khó tồn tại trên thị trường. Thành phố Hồ Chí Minh còn vừa là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử lớn của cả nước, vừa là địa phương luôn dẫn đầu các xu thế mới về thị trường này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ, từ truyền thông số đến thương mại điện tử, đồng thời đảm bảo tính an toàn và bảo mật cho người tiêu dùng, doanh nghiệp... khi giao dịch điện tử.
Sở Thông Tin và Truyền Thông Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp liên ngành trong cập nhật thông tin và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng phát triển kênh bán hàng, hỗ trợ tư vấn pháp lý phát triển kênh và sáng tạo nội dung; an toàn giao dịch điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt… trên môi trường mạng Internet cho hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp theo nhu cầu, khả năng của doanh nghiệp...
Tạo chuỗi nâng chất hàng Việt
Mới đây, tại Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà gồm cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà sản xuất, nhà bán lẻ... đều trăn trở chất lượng hàng hoá để nâng chất cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Thành phố Hồ Chí Minh, bởi đây không chỉ là nâng cao nhận thức tự hào hàng Việt mà còn chung tay cải thiện tính cạnh tranh hàng Việt trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều hàng Việt đã đứng vững trên thị trường nước ngoài thì không có lý do gì lại "thua" trên sân nhà.
Trước bối cảnh này, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết một trong những giải pháp trọng tâm mà Ban Chỉ đạo cuộc vận động hết sức quan tâm đó là xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững, theo hướng hiện đại-minh bạch- an toàn-hiệu quả. Đây sẽ là chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp tham gia phải có tinh thần minh bạch, trách nhiệm; sản xuất trung thực, phân phối trung thực.
"Hơn thế nữa, xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam sẽ tạo tiền đề định hướng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng Việt, đủ tiêu chuẩn cho người Việt, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập và hướng đến những thị trường xuất khẩu khó tính. Hàng Việt chinh phục người Việt là hoàn toàn phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tầm nhìn dài hạn và có trách nhiệm," bà Trần Kim Yến chia sẻ thêm.
Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Thành phố Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, một trong những trọng tâm của hoạt động nâng chất hàng Việt kể từ năm 2024 của Ban chỉ đạo cuộc vận động Thành phố Hồ Chí Minh có thể kể đến là "Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố." Theo đó, thông tin của nhà cung cấp và kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa được chia sẻ giữa các hệ thống phân phối tham gia chương trình này.
Liên quan đến "Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh," ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay bước đầu tập trung lựa chọn một số sản phẩm có quy trình kiểm soát tốt, từ đó nhân rộng ra đa dạng sản phẩm khác.
Các bên ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngay từ đầu, gồm: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn-Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra); Tập đoàn Central Retail Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn MM Mega Market (Việt Nam); Công ty Trách nhiệm hữu hạn AEON Việt Nam; Công ty Cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh...
Tham gia "Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh," Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ cùng 6 đối tác kinh doanh các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Saigon Co.op và các đơn vị này cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững phục vụ người tiêu dùng; đảm bảo lợi ích về sức khỏe người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, đánh giá việc hợp tác này không nằm ngoài mục tiêu nhằm kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm đặc sắc của Thành phố Hồ Chí Minh cạnh tranh với hàng nhập khẩu và định hứng xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi để Saigon Co.op và các đối tác kinh doanh kết nối trực tiếp, kịp thời chia sẻ thông tin quy chuẩn để đưa hàng hóa vào kinh doanh trong hệ thống phân phối của Saigon Co.op. Đồng thời, sự hợp tác này cũng góp phần đưa hàng Việt, hàng sản xuất trong nước có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế thông qua đối tác chiến lược của Saigon Co.op như là NTUC FairPrice (Singapore).
Triển khai "Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh," còn có một số đơn vị ký kết bao tiêu sản phẩm của nhà cung cấp có trách nhiệm tiên phong tham gia chương trình.
Ngoài ra, Sở Công Thương và Sở Thông tin Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cũng ký thỏa thuận hợp tác triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển kênh bán hàng trực tuyến, triển khai tập huấn bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống./.