TP Hồ Chí Minh: Cần quan tâm, giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan lưu ý cần quan tâm, giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư; trong 3.137 cán bộ công chức, viên chức ở các địa bàn được sắp xếp chỉ còn 2.115 người giữ lại.
Không thay đổi giấy tờ đồng loạt khi sắp xếp các phường tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư phù hợp theo giai đoạn.
Đây là thông tin được lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 1278/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra chiều 26/11.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, từ nay đến khi Nghị quyết 1278/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực (1/1/2025) chỉ còn khoảng một tháng, khối lượng công việc rất nhiều nên các cấp, ngành có liên quan phải thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy trình, quy định; việc công bố phải thực hiện đúng hướng dẫn của Thành phố. Vấn đề sắp xếp, phân công, bổ nhiệm cán bộ cần gắn liền với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ của các quận.
Ông Võ Văn Hoan lưu ý cần quan tâm, giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư. Theo thống kê, trong số 3.137 cán bộ công chức, viên chức tại các địa bàn được sắp xếp sẽ chỉ còn 2.115 người được giữ lại, dôi dư là 1.022 người. Tinh thần chung là việc sắp xếp dôi dư này sẽ theo lộ trình từng nhóm trong năm 2024, năm 2025 và kết thúc vào năm 2029. Những cán bộ dôi dư sẽ được ưu tiên bố trí tại địa phương hoặc chuyển lên cấp quận, thành phố nếu đủ điều kiện.
Với tài sản dôi dư, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố đề nghị cần tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả, không để lãng phí cơ sở vật chất sau khi sắp xếp; giữ nguyên các cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế… để đảm bảo phục vụ người dân. Trong khi đó, các trụ sở cơ quan hành chính cần tính toán, bố trí hợp lý.
Với giấy tờ của người dân các phường sau sắp xếp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị không thực hiện thay đổi đồng loạt để tránh xáo trộn. Việc thay đổi giấy tờ sau khi sắp xếp chỉ trên cơ sở yêu cầu của người dân, khi có phát sinh pháp lý cần điều chỉnh mới. Công an cần chủ động cập nhật trên hệ thống, điều chỉnh thông tin khi người dân có yêu cầu; đặc biệt không được thu phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi cho người dân.
Theo Nghị quyết 1278/NQ-UBTVQH15, số đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện sắp xếp là 80 phường, gồm 77 phường thuộc diện sắp xếp và 3 phường liền kề điều chỉnh địa giới hành chính, thuộc địa bàn 10 quận.
Số đơn vị hành chính hình thành mới sau sắp xếp là 41 phường, giảm 39 phường. Khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (16 quận, 5 huyện và 1 thành phố); 273 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn./.