TP Hà Nội: Lý giải việc một số khu dân cư bị mất nước lâu ngày
Sở Xây dụng Hà Nội đề nghị người dân, doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm nước; tránh tích trữ nước khi không cần thiết để tạo điều kiện điều tiết nước cho các khu vực cuối nguồn, vùng có địa hình cao.
Trong mấy ngày gần đây tại Khu đô thị Thanh Hà thuộc huyện Thanh Oai và quận Hà Đông, xảy ra việc mất nước, thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt. Nhiều người dân đã phải đi mua nước với giá cao hơn so với giá nước của thành phố.
Ngoài khu đô thị trên, theo phản ánh của người dân tại khu vực cuối phố Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng bị thiếu nước. Tương tự tại một số khu dân cư ở quận Hoàng Mai và huyện Hoài Đức bị thiếu nước.
Trước thực tế này, Sở Xây dựng Hà Nội đã triển khai giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng thiếu nước tại Khu đô thị Thanh Hà. Ngày 18/10, Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Đông phối hợp với Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống để điều tiết cấp nguồn cho Khu đô thị Thanh Hà.
Kết quả, Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Đông để cấp nguồn cho Khu đô thị Thanh Hà với lưu lượng truyền tải lúc 17h ngày 18/10 là khoảng 120 m3/giờ, tương đương khoảng 2.880 m3/ngày đêm).
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Đông phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5, Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà để vận hành điều tiết cấp nước cho các khu vực trong Khu đô thị Thanh Hà như sử dụng trạm tăng áp để điều tiết cấp nước đến cho các khu vực bất lợi.
Tuy nhiên, vào buổi sáng 19/10, một số người dân Khu đô thị Thanh Hà phản ánh nước sạch vẫn rất hạn chế, nước chỉ cấp được một thời gian rồi lại nhỏ giọt, cuộc sống của người dân vẫn bị ảnh hưởng do thiếu nước sạch. Anh Trần Minh, cư dân Khu đô thị Thanh Hà đưa ra hàng loạt các xô chậu đang ráo khô để cho thấy nước sạch đang bị thiếu tại căn hộ của mình.
Tương tự chị Phạm Huệ cũng cho biết, căn phòng đang ở cũng thiếu nước, phải mua nước bình về sử dụng cho sinh hoạt.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy tập trung trên địa bàn thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước trong phạm vi cung cấp của hệ thống.
Tuy nhiên, khả năng phân phối nguồn nước chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước sạch tại các khu vực đô thị, đặc biệt là khu vực quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông đang sử dụng nguồn từ Nhà máy Nước mặt sông Đà, nên có thể xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại các khu vực này.
Còn trường hợp xảy ra sự cố, tình trạng thiếu nước cục bộ không chỉ xảy ra với khu vực cuối nguồn mà còn ảnh hưởng tới khu vực cốt địa hình cao, những khu vực sử dụng nguồn nước mặt sông Đà. Các địa bàn chịu tác động gồm: Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai...
Việc thiếu nước sạch của Hà Nội từ nhiều năm nay đã được cảnh báo, nước sạch thực tế càng thiếu hơn khi mà giếng ngầm được thành phố yêu cầu ngừng sử dụng. Đơn của như Nhà máy nước Hạ Đình thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội nhà máy có 17 giếng ngầm, công suất khai thác 30.000 m3/ngày - đêm.
Triển khai lộ trình giảm dần việc khai thác nước ngầm của thành phố, đến nay nhà máy đã đóng 8 giếng, còn 9 giếng đang được luân phiên khai thác. Từ nay đến năm 2030, nhà máy chỉ hoạt động với công suất 10.000 m3/ngày - đêm và đến năm 2050 sẽ đóng tất cả các giếng ngầm.
Việc cung cấp nước sạch của thành phố cơ bản phụ thuộc vào các nhà máy nước mặt. Ngoài Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội; Nhà máy Nước mặt sông Đuống; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Đông, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà… thì từ nhiều năm nay, Hà Nội chưa có thêm nhà máy nước nào hoạt động.
Trong khi đó, việc thi công các nhà máy nước sạch lại đang không đảm bảo tiến độ, có thể kể đến Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng. Dự án bắt đầu được xây dựng năm 2015, có kế hoạch đưa vào sử dụng từ quý 1/2021 với công suất thiết kế giai đoạn một là 300.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
[Hà Nội: Khẩn trương cấp nước trở lại cho người dân Khu đô thị Thanh Hà]
Do chậm tiến độ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phải gia hạn cho phép dự án hoàn thành vào quý 4/2024. Nếu dự án hoàn thành sớm như tiến độ ban đầu, sẽ góp phần bù đắp đáng kể lượng nước sạch cho các quận huyện như: Đan Phượng, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy…
Thêm nữa, Dự án cấp nước sông Đà giai đoạn II do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) làm chủ đầu tư cấp nước cho Hà Nội cũng đang chậm tiến độ, khiến ảnh hưởng không nhỏ đến việc cấp nước của thành phố.
Còn việc đầu tư xây dựng mới Nhà máy nước Xuân Mai sử dụng nguồn nước mặt sông Đà cũng đang chưa hẹn ngày về đích.
Đối với Nhà máy Nước mặt sông Đuống, dù năng lực sản xuất vẫn còn nhưng việc đưa nước từ huyện Gia Lâm vào các quận nội thành là việc cũng không dễ dàng.
Nhà máy này có hệ thống uống truyền tải nước được hạ ngầm dưới lòng sông Hồng và sông Đuống nên việc giữ an toàn đường ống là rất quan trọng. Việc đưa áp lực tối đa để đẩy nước từ nhà máy vào nội đô cũng là việc cân nhắc để đề phòng sự cố đường ống.
Trong khi các nhà máy nước đang chậm tiến độ thì các khu đô thị mới của Hà Nội liên tiếp được mọc ra. Mỗi tòa nhà đi vào sử dụng, kéo theo hàng vài trăm cư dân sinh sống. Theo tính toàn mỗi năm tại Hà Nội, số khách hàng đấu nối nước tăng thêm trên 6%.
Do nhu cầu lớn, trong khi nguồn cấp nước hạn chế, dẫn đến năm nay tại Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch cục bộ. Việc thiếu nước sạch của Hà Nội có thể sẽ không được cải thiện vào năm 2024 nếu các nhà máy nước sạch kể trên chưa hoàn thành.
Giải pháp trước mắt được Sở Xây dựng đưa ra, yêu cầu các đơn vị cấp nước bảo đảm duy trì, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước; phân bổ, điều tiết nguồn nước bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận của từng khu vực.
Đồng thời, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện và sẵn sàng, kịp thời sửa chữa, khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ ống, đặc biệt là tuyến truyền dẫn nước sạch sông Đà số 1 hiện có.
Mặt khác, Sở Xây dụng Hà Nội cũng đề nghị người dân, doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm nước; tránh tích trữ nước khi không cần thiết để tạo điều kiện điều tiết nước cho các khu vực cuối nguồn, vùng có địa hình cao.
Theo một số chuyên gia, để thu hút nhà đầu tư lĩnh vực cung cấp nước sạch, thành phố Hà Nội cần có những chính sách như ưu đãi về đất như miễn tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, giá nước được tính đúng, tính đủ các chi phí và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, khách hàng và nhà nước…, có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp tham gia cấp nước sạch, giải bài toán thiếu nước./.