Tổng thống Vladimir Putin khẳng định kinh tế Nga ổn định

Tổng thống Putin khẳng định Nga có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể tự cung, tự cấp đầy đủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nước này đã bảo vệ lĩnh vực khai thác mỏ của mình.

Tổng thống Nga Putin phát biểu. (Nguồn: Reuters)

Trong bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế phương Đông, đang diễn ra ở thành phố Vladivostock, vùng Viễn Đông của Nga, ngày 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế nước này đã ổn định và tình hình được cải thiện hơn so với trước đây.

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Vladivostock, nhà lãnh đạo Nga nêu rõ tình hình cơ bản đã tốt lên dù vẫn tồn tại những vấn đề ở một số ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp nhất định, đặc biệt là những doanh nghiệp gắn với nguồn cung từ châu Âu hoặc cung cấp sản phẩm cho châu Âu.

Ông cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Nga trong tháng 6 ở mức thấp lịch sử, chưa tới 4% và “trong điều kiện ngày nay, đây là thành tựu rất quan trọng.”

Theo Tổng thống Putin, lạm phát ở Nga đang có xu hướng giảm, đến cuối năm sẽ còn khoảng 12%. Ông dự báo lạm phát sẽ ở mức 5-6% trong 2 quý đầu năm sau và cả năm có thể là 4%.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh điều quan trọng là phải tiếp tục đưa ra các quyết định nhanh chóng cùng với hoạt động kinh doanh và khởi động các cơ chế hỗ trợ có mục tiêu một cách hiệu quả.

Tổng thống Putin khẳng định Nga có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể tự cung, tự cấp đầy đủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nước này đã bảo vệ lĩnh vực khai thác mỏ của mình.

[Bộ trưởng Nga nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022]

Ông cho biết nhu cầu của nền kinh tế Nga về nguồn nguyên liệu thô chiến lược đã được xác định. Những dữ liệu này sẽ tạo cơ sở cho chiến lược cập nhật để phát triển cơ sở tài nguyên khoáng sản.

Đề cập đến vai trò và các kế hoạch đối với khu vực Viễn Đông của Nga, Tổng thống Putin cho biết tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở Viễn Đông cao hơn mức trung bình của Nga khoảng 30%.

Chính quyền sẽ tiếp tục khuyến khích sự phát triển nhanh chóng của các chủ thể ở khu vực Viễn Đông, bao gồm hỗ trợ của nhà nước và điều chỉnh các vùng lãnh thổ ưu tiên phát triển.

Ông đánh giá Viễn Đông là nền tảng tốt để Nga vươn mình sang châu Á và yêu cầu chính phủ hỗ trợ tối đa quá trình thực hiện các kế hoạch phát triển tổng thể của các thành phố lớn nhất ở Viễn Đông, ưu tiên tăng cường xây dựng nhà ở, hỗ trợ các doanh nghiệp thuê lao động trẻ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất để thu hút công nghệ hiện đại và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tổng thống Liên bang Nga cũng lưu ý rằng trong những năm gần đây, hệ thống quan hệ quốc tế đã chứng kiến những thay đổi mang tính kiến tạo và vai trò của các nước châu Á-Thái Bình Dương đã tăng lên đáng kể.

Ông khẳng định Nga là một quốc gia có chủ quyền và sẽ luôn bảo vệ lợi ích quốc gia của mình bằng cách theo đuổi chính sách độc lập. Nga đánh giá cao sự độc lập của các đối tác, trong đó có các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thống Putin nêu rõ phần lớn các nước trong khu vực đề cao quan hệ kinh doanh tập trung vào các nguyên tắc cùng có lợi, hợp tác và tích lũy tiềm năng của các nền kinh tế vì lợi ích của người dân. Theo ông, đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của khu vực, một sự đảm bảo cho sự phát triển năng động và lâu dài của châu Á-Thái Bình Dương.

Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý đến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực, vốn "trong một thời gian dài đã luôn vượt mức toàn cầu."

Cụ thể, trong 10 năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước châu Á đã tăng trưởng hằng năm khoảng 5%, trong khi thế giới là khoảng 3%, Mỹ là 2% và Liên minh châu Âu (EU) tăng 1,2%. Kết quả là tỷ trọng của các nền kinh tế châu Á trong GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng và dự báo tăng trưởng từ mức 37,1% năm 2015 lên 45% năm 2027.

Theo nhà lãnh đạo Nga, nền kinh tế toàn cầu hiện đại cũng như toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, ông tin rằng logic của sự hợp tác, tổng hòa các tiềm năng và cùng có lợi chắc chắn sẽ chiếm ưu thế.

Tổng thống Putin cho rằng các hạn chế đối với thị trường năng lượng chỉ dẫn đến sự mất cân bằng và giá cả cao hơn. Ông tuyên bố Nga sẵn sàng khởi động tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2./.

Duy Trinh-Thúc Anh (TTXVN/Vietnam+)