Tổng thống Palestine kêu gọi ngăn chặn các cuộc tấn công vào Dải Gaza
Tổng thống Abbas kêu gọi Tổng thống Macron chấm dứt các hành động gây hấn của phía Israel, đồng thời lên án mạnh mẽ các cuộc không kích của Israel.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 24/10 đã kêu gọi người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hành động để "ngăn chặn các cuộc tấn công" của Israel nhằm vào Dải Gaza, trong bối cảnh xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bước sang ngày thứ 18.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, trong tuyên bố với báo giới sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại trụ sở Chính quyền Palestine (PA) ở Ramallah, Bờ Tây, Tổng thống Abbas kêu gọi Tổng thống Macron chấm dứt các hành động gây hấn của phía Israel, đồng thời lên án mạnh mẽ các cuộc không kích của Israel, khẳng định Israel "và các quốc gia ủng hộ nước này phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột." Ông nói thêm cần phải có một "hội nghị hòa bình quốc tế" về Gaza.
Phát biểu với phóng viên, Tổng thống Macron bày tỏ quan điểm rằng "không gì có thể biện minh" cho sự đau khổ của dân thường trên lãnh thổ Palestine kể từ cuộc tấn công của phong trào Hamas vào Israel ngày 7/10 dẫn đến các cuộc không kích trả đũa của quân đội Israel.
Trước đó tại Jerusalem, ông Macron đã bảo vệ quyền tự vệ của Israel trước cuộc tấn công của Hamas. Là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới trụ sở PA ở Bờ Tây bị chiếm đóng nhằm bàn cách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, Tổng thống Macron khẳng định "sẽ không có bất kỳ nền hòa bình bền vững nào nếu không có sự công nhận quyền hợp pháp của người dân Palestine có lãnh thổ và nhà nước."
Tổng thống Pháp cũng kêu gọi khởi động tiến trình chính trị giữa Israel và Palestine, đồng thời nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước có ý nghĩa then chốt nhằm giải quyết xung đột Trung Đông.
Cũng trong ngày 24/10, tại thủ đô Cairo, Cơ quan Quản lý Thông tin Nhà nước Ai Cập (SIS) đã tổ chức họp báo quốc tế để làm rõ các quan điểm và lập trường của Ai Cập về tình hình xung đột hiện nay ở Dải Gaza cũng như các nỗ lực của Cairo nhằm tìm kiếm giải pháp toàn diện và công bằng cho vấn đề Palestine.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch SIS Diaa Rashwan cho rằng tình trạng leo thang xung đột đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo rất nghiêm trọng tại Dải Gaza, đồng thời khẳng định Ai Cập đã, đang và sẽ làm hết sức mình để đảm bảo mở cửa khẩu biên giới Rafah nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo và lương thực đến cho người dân ở Dải Gaza.
[Xung đột Hamas-Israel: LHQ kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức]
Theo ông Rashwan, 54 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã tiến vào Gaza kể từ ngày 21/10, và dự kiến sẽ có thêm 20 xe tải nữa được phép vào dải đất này trong 1-2 ngày tới.
Tính đến ngày 23/10, tổng cộng 457 tấn vật tư y tế, 251 tấn lương thực và 87 tấn nước đã được đưa vào Dải Gaza. Đến nay, 39 máy bay từ các nước chở hàng viện trợ nhận đạo cho Gaza đã đến Ai Cập.
Ông Rashwan nói thêm Ai Cập đang tăng cường tham vấn để đảm bảo cung cấp viện trợ bền vững cho Gaza. Chủ tịch SIS khẳng định kế hoạch của Israel nhằm di dời cưỡng bức người Palestine ra khỏi Gaza đã bị bác bỏ và biên giới của Ai Cập "là một ranh giới đỏ."
Theo thông báo của Israel, đến nay đã có 1.400 người đã thiệt mạng kể từ khi Hamas phát động cuộc tấn công vào miền Nam nước này hôm 7/10 đến nay. Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine ở Gaza xác nhận 5.791 người, trong đó có hơn 2.000 trẻ em và 1.400 phụ nữ, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích trả đũa của Israel.
Ngày 24/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã tiến hành phiên thảo luận mở về tình hình căng thẳng tại Israel và Dải Gaza, trong nỗ lực mới nhất của Liên hợp quốc nhằm tìm lối thoát cho vòng xoáy xung đột ở khu vực này.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi áp đặt một lệnh ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức tại Dải Gaza, nhấn mạnh các vụ tấn công của Hamas vào Israel không thể biện minh cho hành động trừng phạt tập thể nhằm vào người dân vô tội tại Palestine.
Ông Guterres cho rằng tình hình Trung Đông đang "nghiêm trọng hơn mỗi giờ, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hiện hữu, căng thẳng sục sôi". Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng bắn để bảo vệ dân thường, cung cấp viện trợ dễ dàng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả tự do cho con tin.
Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định nền tảng thực tế duy nhất đối với hòa bình và ổn định ở Trung Đông đó là giải pháp hai nhà nước, người Israel phải thấy nhu cầu chính đáng của họ về an ninh được cụ thể hóa, trong khi người Palestine cũng được thấy nhu cầu chính đáng của mình về một Nhà nước độc lập được hiện thực hóa, phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận liên quan.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một lần nữa khẳng định Hamas không đại diện cho người dân Palestine. Ông Blinken cũng cam kết phối hợp cùng cộng đồng quốc tế để tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện nay, đồng thời nhấn mạnh chỉ có một con đường duy nhất mang lại hòa bình và an ninh bền vững ở Trung Đông đó là giải pháp hai nhà nước.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen đã kêu gọi Hamas trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các con tin. Ông tuyên bố: "Israel có quyền và nghĩa vụ tự vệ. Đây không chỉ là cuộc chiến của Israel mà đó là cuộc chiến của thế giới tự do."
Trong khi đó, Ngoại trưởng Chính quyền Palestine Riyad al-Maliki cũng khẳng định, trong 2 tuần qua, hơn 5.700 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 2.300 trẻ em và 1.300 phụ nữ, hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi hơn 170.000 ngôi nhà bị phá hủy.
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt việc giết chóc, việc thảm sát nhằm vào người Palestine và Hội đồng Bảo an có trách nhiệm phải ngăn chặn Israel, theo luật pháp quốc tế.
Về phần mình, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nói rằng số lượng người thương vong cho thấy quy mô của thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza đã vượt quá tưởng tượng của tất cả mọi người.
Theo nhà ngoại giao Nga, cuộc khủng hoảng hiện nay một lần nữa cho thấy nếu không có giải pháp công bằng xung đột Palestine-Israel, phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc, cũng như dựa trên các quyết định quốc tế trước đây, thì hòa bình và ổn định sẽ mãi nằm ngoài tầm với ở khu vực này.
Đại sứ Nebenzia kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, tái khởi động quá trình đàm phán về giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thành lập một Nhà nước Palestine chủ quyền, nằm trong đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, cùng tồn tại hòa bình và an ninh bên cạnh Israel./.