Tổng thống Biden ban hành lệnh cấm khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi

Ông Biden lập luận rằng tiềm năng nhiên liệu hóa thạch tối thiểu ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương không biện minh cho những rủi ro về môi trường và kinh tế do hoạt động khoanthăm dò mới gây ra.

Ngày 6/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh cấm khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi trên các vùng ven biển rộng lớn của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như một số vùng biển liên bang khác, nhằm bảo vệ hơn 253 triệu ha diện tích nước.

Quyết định này được công bố chỉ vài tuần trước khi ông Biden chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Donald Trump - người vốn luôn cam kết sẽ tăng mạnh sản lượng nhiên liệu hóa thạch.

Trong tuyên bố, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các bờ biển này trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch. Ông lập luận rằng tiềm năng nhiên liệu hóa thạch tối thiểu ở những khu vực này không biện minh cho những rủi ro về môi trường và kinh tế do hoạt động khoan thăm dò mới gây ra.

Lệnh cấm được ban hành theo Đạo luật Đất đai Thềm lục địa ngoài khơi năm 1953. Luật cũng không nêu rõ liệu Tổng thống có thể đơn phương đảo ngược lệnh cấm khoan thăm dò mà không cần thông qua Quốc hội hay không, do đó, ông Trump có thể sẽ gặp khó khăn về mặt pháp lý nếu muốn can thiệp vào luật này.

Động thái của ông Biden đã thu hút được sự ủng hộ từ các nhóm hoạt động vì môi trường. Theo ông Joseph Gordon, Giám đốc Khí hậu và Năng lượng của tổ chức Oceana, lệnh cấm là chiến thắng quan trọng cho việc bảo tồn đại dương.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, cho đến nay Tổng thống Biden đã ra quyết định bảo tồn tổng cộng 270,1 triệu ha đất đai, vùng nước và đại dương của Mỹ, nhiều hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào trước đây.

Lệnh cấm này là một phần trong một loạt hành động tập trung vào khí hậu rộng hơn do chính quyền Biden thực hiện trong những tuần cuối tại nhiệm, trong đó có mục tiêu khí hậu đầy tham vọng mới theo Thỏa thuận Paris nhằm giảm 61-66% lượng khí thải nhà kính vào năm 2035, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.