Tổng cục thuế triển khai ứng dụng quản lý rủi ro về sử dụng hóa đơn
Tổng cục Thuế đã ban hành Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro và Quy trình áp dụng để đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.
Tổng cục thuế sẽ xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn được thực hiện theo nguyên tắc tự động, bằng ứng dụng quản lý rủi ro, kết hợp với thực tiễn công tác quản lý thuế của cơ quan thuế.
Số hóa quản lý hóa đơn
Ngày 15/5, Tổng cục Thuế tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.
Chủ trì hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết kết quả triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc trong thời gian qua là rất tích cực. Cụ thể, toàn hệ thống đã tiếp nhận trên 4 tỷ hóa đơn, tuy nhiên thành tích này cũng tạo sức ép rất lớn về mặt quản lý hóa đơn điện tử, đặc biệt trong bối cảnh gian lận thương mại điện tử ngày càng gia tăng.
[Khởi tố đối tượng chỉnh sửa hóa đơn chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản]
Trên thực tế, cơ quan thuế phát hiện các vụ việc vi phạm về hóa đơn điện tử. Theo đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro và Quy trình áp dụng để đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng nâng cấp ứng dụng quản lý rủi ro phân hệ quản lý hóa đơn và chức năng đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Đại diện Ban quản lý rủi ro cho biết đây chính là cơ sở giúp cơ quan thuế phân tích thông tin đánh giá xếp hạng người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn. Hệ thống phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử cũng là một trong những cấu phần trọng tâm trong công tác điện tử, số hóa công tác quản lý hóa đơn, nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Làm gì để ngăn chặn mua bán hóa đơn bất hợp pháp?
Bên cạnh đó, Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), cho biết cơ quan thuế đã phát hiện một số đối tượng đã lách luật, thành lập doanh nghiệp song không có hoạt động sản xuất-kinh doanh, mà chỉ lợi dụng để mua, bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước, gây thất thu ngân sách rất lớn.
Mặc dù, nhiều vụ mua bán hóa đơn đã bị cơ quan điều tra khởi tố, song bà Hải cho hay tình trạng này vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Bà Hải chỉ ra một số đối tượng đã lợi dụng thủ tục đăng ký doanh nghiệp thuận lợi, quy định giấy tờ pháp lý đơn giản và hồ sơ nộp điện tử, do đó cá nhân không phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Thêm vào đó, hệ thống đăng ký kinh doanh lại chưa tự động kiểm soát dữ liệu. Lợi dụng “kẽ hở” này, nhiều trường hợp đã sử dụng giấy tờ pháp lý không phù hợp khi kê khai thông tin đăng ký doanh nghiệp. Hoặc, một cá nhân đăng ký nhiều doanh nghiệp, sau đó bỏ địa điểm kinh doanh để thành lập doanh nghiệp khác với mục đích mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...
Cụ thể, các đối tượng này thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích gian lận về hóa đơn thường chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn (khoảng 1-2 năm), sau đó tạm ngừng hoặc dừng hoạt động và không làm thủ tục giải thể, để tránh bị thanh tra/kiểm tra của các cơ quan chức năng. Mặt khác, các đối tượng cũng thường xuyên chuyển địa điểm kinh doanh hoặc địa điểm kinh doanh không có thật… Trong khi, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế lại thiếu thông tin kiểm soát địa điểm kinh doanh đúng theo như đăng ký.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, bà Lê Thị Duyên Hải cho biết ngành thuế kiến nghị cần siết chặt lại quy định thành lập doanh nghiệp mới, như thông tin của cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp cần được kiểm soát. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng cần quản lý thông tin về doanh nghiệp theo quy trình đồng bộ, chuẩn hóa và xác thực toàn bộ định danh (cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp), bổ sung phiếu lý lịch tư pháp, hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh..., để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo bà Hải, việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thực hiện bằng phương thức trực tuyến và sử dụng chữ ký số do các tổ chức cung cấp (chữ ký nhân danh) là chưa đảm bảo chặt chẽ và thông tin xác thực danh tính của người sử dụng chữ ký số là không có. Do đó, các quy định pháp luật về hóa đơn cần được rà soát, đặc biệt là thủ tục đăng ký sử dụng và lập hóa đơn điện tử./.