Tổng cục Thuế đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong chống chuyển giá
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh Tổng cục Thuế mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những cục thuế đi đầu cả nước trong vấn đề chống chuyển giá.
Các hành vi gian lận thuế, tránh thuế ngày càng phức tạp và tinh vi, tình trạng này vừa gây thất thu cho ngân sách nhà nước, vừa gây bất ổn thị trường, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Đây cũng là lý do mà lãnh đạo Tổng cục Thuế lưu ý Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - hai trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước - phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống chuyển giá.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành thuế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 12/7, ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến thanh tra, kiểm tra, bởi đây là vấn đề xương sống của quá trình quản lý thuế.
Theo ông Tuấn, trong nửa cuối năm 2024, ngành thuế Thành phố Hồ Chí Minh phải tập trung các giải pháp khắc phục việc chống thất thu trên mọi lĩnh vực, trong đó có 2 vấn đề thành phố cần quan tâm là chống thất thu trên lĩnh vực thương mại điện tử và vấn đề chuyển giá.
Việc đẩy mạnh các giải pháp chống chuyển giá không chỉ vì mục tiêu chống thất thu thuế mà đây sẽ là nguồn thu tăng trưởng ổn định cho ngân sách nhà nước trong những năm tới.
"Hành vi chuyển giá chủ yếu diễn ra giữa các giao dịch liên kết xuyên biên giới nhưng cũng không được bỏ qua các giao dịch liên kết trong nội địa. Tổng cục Thuế mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những cục thuế đi đầu cả nước trong vấn đề chống chuyển giá, đồng thời sẽ cùng nhau tổ chức thực hiện và nhân rộng mô hình trong thời gian tới," ông Phi Vân Tuấn đề nghị.
Ngoài việc thanh kiểm tra, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị ngành thuế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tốt các sở, ngành, các quận, huyện trong việc hỗ trợ người nộp thuế được hưởng các chính sách miễn, giảm thuế theo quy định; tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các chính sách thuế hiện hành…
Về phía lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị ngành thuế thành phố cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, có biện pháp phối hợp, chỉ đạo kịp thời để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong năm 2024.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố cũng lưu ý ngành thuế Thành phố Hồ Chí Minh có giải pháp hiệu quả hơn trong thu hồi nợ đọng. Theo ông Dũng, số nợ thuế trên địa bàn hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trên tổng số thu. Do đó, bên cạnh việc phân loại nợ thuế, Cục Thuế thành phố cần phối hợp với các cơ quan, địa phương trong trao đổi, cung cấp thông tin, áp dụng các biện pháp cưỡng chế linh hoạt phù hợp nhằm thu hồi nợ đọng.
Ngoài ra, trong xác định quản lý các đối tượng kinh doanh hoạt động thương mại điện tử, ngành thuế cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các đơn vị liên quan để đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh và mở rộng nguồn thu.
Trong nửa đầu năm nay, ngành thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai kịp thời các Nghị quyết, chính sách về thuế của Quốc hội, Chính phủ để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người nộp thuế phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, Cục Thuế thành phố cũng đã thực hiện đồng bộ có hiệu quả các biện pháp quản lý thuế như quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường quản lý thu qua công cụ kiểm soát rủi ro, chống thất thu ngân sách gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, quản lý nợ thuế, đẩy mạnh quản lý nội ngành. Đây cũng là nhóm nhiệm vụ được ngành thuế Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện nửa cuối năm 2024.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 6 tháng năm 2024 đạt 206.380 tỷ đồng, đạt 58,7% dự toán năm, tăng 25,6% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất thuộc diện được miễn, giảm trong 6 tháng ước tính khoảng 8.624 tỷ đồng.
Việc thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đã hỗ trợ doanh nghiệp với số tiền thuế được gia hạn ước tính khoảng 1.777 tỷ đồng./.