Tôm Việt Nam chuyển biến rõ rệt, bắt đầu "tăng nhiệt" trong quý đầu năm

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm ước đạt hơn 620 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ ước tăng 26%, sang Trung Quốc ước tăng hơn 140%.

Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Thủy sản Minh Phú. (Ảnh: TTXVN)

Xác định được điểm yếu của ngành tôm trong năm 2023, bước sang quý 1/2024, ngành tôm Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Điều này được chứng minh bởi sự "tăng nhiệt" của tiêu thụ tôm tại các thị trường lớn trong 3 tháng đầu năm nay.

Chuyển biến tích cực từ thị trường lớn

Trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường Mỹ và Trung Quốc có nhiều thay đổi nổi bật trong tiêu thụ tôm của Việt Nam

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 620 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, kim ngạch tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước tăng 26%, còn thị trường Trung Quốc ước tăng hơn 140%.

Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, chia sẻ nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc trong quý 1/2024 vẫn khá cao. Điển hình như tháng đầu tiên năm nay, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Ecuador - nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc, nên thị trường này tăng cường nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Đưa tôm nguyên liệu vào dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu ở Nhà máy của Tập đoàn thủy sản Minh Phú. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trên thị trường Trung Quốc, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá so với các nguồn cung đối thủ, tuy nhiên, nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên đã chấp nhận mức giá cao hơn.

Còn tại thị trường Mỹ, các chuyên gia ngành tôm nhận định doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu.

So với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.

Mỹ cũng đang có chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc.

Bên cạnh các thị trường lớn, thì thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản cũng được đánh giá sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường lớn khác như Mỹ, châu Âu trong năm 2024.

Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường Nhật Bản có vị trí địa lý gần hơn so với Mỹ, châu Âu và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn.Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40-45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm.

Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh của tôm Việt tại thị trường Nhật. Tôm Việt Nam dẫn đầu trong thị phần tôm cao cấp ở Nhật Bản.

Chú trọng nguyên liệu và thị trường nội địa

Dù đang ở đà khởi sắc và tăng trưởng trở lại, nhưng ngành tôm Việt Nam được các chuyên gia trong ngành khuyến cáo không được chủ quan, vì sức cạnh tranh của các quốc gia khác rất lớn.

Ông Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, chia sẻ tại Hội chợ Quốc tế Thủy sản Boston (Mỹ), khách hàng thế giới đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng giá cả lại quá cao. Đây là sự lặp lại con đường cạnh tranh của tôm Indonesia trước đây.

Tuy nhiên hiện nay, giá tôm của Indonesia đã trở nên mềm hơn, để có thể cạnh tranh với tôm của Ấn Độ và Ecuador. Do đó, vấn đề đặt ra là, ngành tôm Việt Nam phải có giải pháp nâng cao trình độ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để thu hút người tiêu dùng và giữ vững phân khúc thị phần cấp cao.

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn thủy sản Minh Phú. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thực tế hiện nay, điều lưu ý là tất cả những sản phẩm làm ra này trên nền tảng sử dụng tôm thương phẩm nguyên liệu giá cao.

"Giá cao vừa phải thì không sao, cao cả 1-2 USD/kg quả là rắc rối," ông Hồ Quốc Lực nhận xét.

Để ngành tôm Việt Nam có thể cạnh tranh với các quốc gia khác, truyền thông trong nước cần đánh động mạnh hơn thông tin tôm giá rẻ các nước đang ra sao để người nuôi tôm Việt Nam có ý thức hơn trong tính toán vụ nuôi giảm thiểu rủi ro; đánh động mạnh hơn để những người có trách nhiệm có ý thức hơn trong việc đề ra chiến lược lâu dài và cần nhất là sách lược trước mắt; ít ra là tăng cường giải pháp kiểm soát con giống trong thời điểm này, ông Hồ Quốc Lực đề xuất.

Cùng với việc chú trọng nguồn nguyên liệu tôm cho chế biến và xuất khẩu giá thấp, các doanh nghiệp ngành tôm cũng đang dần tận dụng tất cả các ưu thế về thị trường, trong đó có thị trường trong nước.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, hiện nay thị phần tôm của Minh Phú tại thị trường nội địa chưa đầy 1% trong cơ cấu doanh thu.

Việc này xuất phát từ chỗ tôm chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu có giá thành cao hơn từ 20-50% so với thông thường nên sức cạnh tranh không cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, Minh Phú đã nghiên cứu và nuôi tôm theo công nghệ sinh học MPBiO nên chất lượng cao và giá thành rẻ hơn.

Vì vậy, trong thời gian tới, Minh Phú đặt mục tiêu gia tăng thị phần tại nội địa từ 5-10% so với mức hiện tại với các nhà bán lẻ, nhà phân phối như Bách Hóa Xanh.

Minh Phú sẽ đưa các dòng tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật, Mỹ và châu Âu, được nuôi trong môi trường không kháng sinh, không hoá chất, phân phối trong hệ thống Bách Hóa Xanh để cung cấp cho người tiêu dùng nội địa nguồn tôm chất lượng cao. Đây là cơ hội để Minh Phú đưa con tôm mang chuẩn quốc tế lên bàn ăn Việt./.