Tinh gọn bộ máy: Ninh Thuận giảm 84 phòng, ban; Quảng Trị giảm 25 phòng
Tỉnh Ninh Thuận giảm 525 biên chế công chức và 2.258 biên chế viên chức; tại Quảng Trị, khối Đảng giảm 51 biên chế, khối chính quyền giảm 1.113 chỉ tiêu biên chế công chức và sự nghiệp.
Ngày 26/12, Tỉnh ủy Ninh Thuận, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.”
Ninh Thuận: Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận Phạm Văn Hậu nêu rõ, khi có Nghị quyết số 18, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 92-KH/TU ngày 21/2/2018 để cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tỉnh kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao, có bước đi, cách làm thích hợp; quan tâm tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Đến nay, hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch của Trung ương, Kế hoạch của Tỉnh ủy đã được triển khai đạt hiệu quả.
Toàn tỉnh đã sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc, tinh gọn, giảm 84 phòng, ban; 210 lãnh đạo cấp phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh; giảm 12 phòng chuyên môn, 36 lãnh đạo phòng thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện; giảm 6 đơn vị hành chính trực thuộc sở, ngành, 42 phòng, đội, trạm tổ và tương đương trực thuộc và 18 lãnh đạo phòng các đơn vị trực thuộc sở, ngành cấp tỉnh; tinh giảm 525 biên chế cán bộ, công chức, đạt 19,92%; giảm 2.258 biên chế viên chức, đạt trên 17%.
Tuy nhiên, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận đánh giá việc triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương, Kế hoạch 92-KH/TU của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương chưa chủ động, kịp thời.
Việc thực hiện có lúc còn nóng vội, chưa hiệu quả; hệ thống chính trị tỉnh chưa thật tinh gọn. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác ở một số cơ quan, đơn vị còn trùng lắp, chồng chéo. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị tỉnh còn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh để tạo tiền đề quan trọng cho việc sắp xếp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, các cấp ủy Đảng cần nêu cao tinh thần dân chủ, đoàn kết, mang tính xây dựng cao, quyết tâm tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị để cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy mang lại thắng lợi lớn.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ được tỉnh tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, đảm bảo tiến độ, kịp thời, trách nhiệm và chất lượng; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, không để chồng chéo, tham những, quan liêu, tiêu cự.
Quảng Trị: Không để "chảy máu chất xám" khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị Phan Văn Phụng cho biết sau 7 năm thực hiện, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được sắp xếp tinh gọn.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị, địa phương được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Việc tinh giản biên chế tiếp tục được đẩy mạnh, vượt chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, giai đoạn 2015-2021: Khối Đảng giảm 132 chỉ tiêu, đạt 11,8 % (vượt 1,8%); khối chính quyền giảm 2.048 chỉ tiêu (đạt 10,2%), đảm bảo tỷ lệ quy định.
Giai đoạn 2022-2026, khối Đảng giảm 31 biên chế công chức (đạt 67,4%), giảm 20 biên chế viên chức (đạt 58,8%). Khối chính quyền biên chế công chức giảm 24 chỉ tiêu (đạt 27%), biên chế sự nghiệp giảm 1.089 chỉ tiêu (đạt 67,8%).
Từ năm 2018 đến nay Quảng Trị đã giảm được 25 phòng chuyên môn thuộc sở, chiếm 16,6%; giảm 31 cấp phó phòng chuyên môn thuộc sở, chiếm 22,3%; giảm 3 chi cục, chiếm 17,6%; giảm 4 cấp phó chi cục, chiếm 19%; giảm 38 phòng chuyên môn thuộc chi cục, chiếm 40,8%; giảm 17 cấp phó phòng thuộc chi cục, chiếm 23,6%.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy, biên chế các tổ chức của hệ thống chính trị chủ yếu giảm cơ học. Chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi sắp xếp, kiện toàn chưa được rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời, vẫn còn sự chồng chéo, giao thoa về nhiệm vụ giữa các ngành.
Một số mô hình thí điểm thực hiện không mang lại hiệu quả, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc phải kết thúc sau khi thực hiện một thời gian ngắn.
Chưa có cơ chế phù hợp để gắn tinh gọn bộ máy và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tinh giản biên chế chủ yếu từ việc cắt giảm trong biên chế cán bộ, công chức nghỉ hưu hoặc không tuyển dụng mới.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chi bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu.
Ủy ban Nhân dân tỉnh nghiên cứu đề xuất chính sách địa phương trình cấp có thẩm quyền xem xét theo hướng đảm bảo quyền lợi tối đa cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc trước tuổi. Đồng thời, có chính sách duy trì, giữ chân cán bộ tốt, viên chức tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ, không để "chảy máu chất xám."
Việc thực hiện các chế độ, chính sách phải đảm bảo công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và cần có sự “hy sinh” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Việc sắp xếp, sáp nhập phải khoa học, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân. Các cơ quan, đơn vị phải triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động; bám sát nguyên tắc của Đảng và yêu cầu thực tiễn; thực hiện khách quan, dân chủ, khoa học, cầu thị, cụ thể, sâu sắc.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, trực tiếp là người đứng đầu tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai quyết liệt nhiệm vụ, bảo đảm cơ quan, đơn vị, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả./.