Tinh gọn bộ máy: Hậu Giang giảm ít nhất 5 sở, 11 giám đốc và phó giám đốc sở
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết tỉnh thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, phấn đấu giảm 15% cơ cấu, tổ chức.
Ngày 23/12, tỉnh Hậu Giang tổ chức họp Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh thông qua dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy các đơn vị.
Theo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, tỉnh sẽ giảm ít nhất 5 sở, 11 giám đốc và phó giám đốc sở. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh còn lại 14 cơ quan. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân 8 huyện, thị xã, thành phố giảm 16 cơ quan; mỗi huyện, thị xã, thành phố giảm 2 cơ quan.
Ông Đồng Văn Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, phấn đấu giảm 15% cơ cấu, tổ chức. Trong sắp xếp, sáp nhập, tỉnh thực hiện theo phương châm rà soát, sắp xếp tương đồng, giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Về các chính sách trong sắp xếp, sáp nhập, tỉnh thực hiện theo các chính sách của Trung ương, đồng thời chủ động và tham khảo các chính sách từ các địa phương, cũng như cập nhật các văn bản Trung ương để thực hiện tốt việc sắp xếp, sáp nhập.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, do số lượng cơ quan thuộc diện sắp xếp của Hậu Giang nhiều, phạm vi tác động rộng, không tránh khỏi sự tác động đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo.
Thực hiện phương án sắp xếp, một số cơ quan ban, sở, ngành tỉnh và cấp huyện thực hiện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sẽ lớn, đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu và đội ngũ lãnh đạo cơ quan. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ trong công tác nhân sự để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả.
Để hạn chế tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần có chính sách đủ mạnh, nổi trội đối với các đối tượng chịu tác động của quá trình sắp xếp, nhằm giảm áp lực về tư tưởng, tâm lý; bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy./.