Tỉnh Bến Tre phát hiện hơn 80 ca mắc thủy đậu tại một công ty
Ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại một công ty may mặc trong Khu công nghiệp Giao Long vào ngày 6/11/2024, sau đó tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp bệnh xuất hiện rải rác tại xưởng 3.
Ngày 26/12, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Oanh cho biết, một công ty may mặc trong Khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành) đã phát hiện nhiều ca mắc thủy đậu. Ngành Y tế đã ra công văn yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh.
Theo báo cáo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, công ty may mặc này có tổng cộng 4 xưởng. Ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào ngày 6/11/2024, sau đó tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp bệnh xuất hiện rải rác tại xưởng 3.
Tính từ ngày 6/11 đến ngày 24/12, công ty may mặc này đã ghi nhận tổng cộng 83 ca mắc thủy đậu (tất cả đều thuộc xưởng 3; các xưởng 1, xưởng 2, xưởng 4 chưa ghi nhận ca bệnh), riêng trong ngày 23/12 ghi nhận 75 ca.
Hiện, công ty đã hướng dẫn các ca bệnh đến cơ sở y tế để thăm khám, đồng thời đảm bảo quy trình phòng, chống lây nhiễm. Bên cạnh đó, công ty yêu cầu công nhân chỉ quay lại làm việc khi hết bệnh theo chẩn đoán của bác sỹ.
Lãnh đạo ngành Y tế Bến Tre nhận định ổ dịch thủy đậu tại công ty may mặc thuộc Khu công nghiệp Giao Long nhiều khả năng sẽ tăng cao về số ca mắc do mầm bệnh đã lây lan trong một thời gian dài. Dự báo, dịch thủy đậu có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, khả năng cao lây lan sang các công ty khác tại khu công nghiệp và có nguy cơ lan rộng ra cộng đồng trong thời gian tới.
Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch, Sở Y tế Bến Tre yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật duy trì đội phản ứng nhanh để sẵn sàng các hoạt động phòng, chống dịch và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở, các khu, cụm công nghiệp khi có dịch bùng phát. Đồng thời chỉ đạo các Trung tâm Y tế, đặc biệt là tại các địa bàn có cụm, khu công nghiệp phối hợp với Ban quản lý các cụm, khu công nghiệp trong hoạt động giám sát, xử lý dịch nếu có xảy ra.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo dõi sát tình hình dịch bệnh thủy đậu hằng ngày, điều tra, xử lý các ổ dịch có nguy cơ bùng phát trên diện rộng; dự trù đầy đủ các hóa chất, sinh phẩm để phục vụ hoạt động chống dịch.
Khi xuất hiện ca bệnh, ổ dịch tại các công ty, xí nghiệp thuộc cụm, khu công nghiệp, Trung tâm phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp để xử lý ổ dịch một cách triệt để, nhanh nhất có thể. Các đơn vị tăng cường truyền thông, cung cấp kiến thức đến người dân, học sinh, các ban ngành, đoàn thể về đặc điểm của bệnh thủy đậu, phương thức lây truyền, cách phòng bệnh…
Sở Y tế đề nghị Trung tâm Y tế huyện, thành phố, yêu cầu rà soát nhân lực, hóa chất, vật tư tại đơn vị và tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố, đảm bảo không bị thiếu hụt khi có dịch bệnh xảy ra.
Các cơ sở khám, chữa bệnh cần đảm bảo thuốc, vật tư y tế, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị tích cực; thực hiện nghiêm việc phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh; cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về biện pháp phòng lây nhiễm cho bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân./.