Tìm hướng đi cho ngành tài nguyên và nông nghiệp của ASEAN
Tại Đối thoại Tài nguyên thế giới, Phó Giáo sư Simon Tay, Chủ tịch SIIA, đánh giá ngành tài nguyên, một phần rất quan trọng của nền kinh tế, đang chịu nhiều áp lực.
Ngày 9/5, Đối thoại Tài nguyên thế giới (SWR) lần thứ 11, do Viện Quan hệ Quốc tế Singapore (SIIA) chủ trì, đã diễn ra tại Singapore với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Bền vững và Môi trường Singapore bà Grace Fu, cùng trên 240 đại biểu, học giả, đại diện khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ liên quan đến ASEAN tham dự.
Đối thoại lần này xoay quanh chủ đề “Nền kinh tế kế cận và tương lai của tài nguyên.” Trọng tâm của các cuộc thảo luận là triển vọng của các lĩnh vực tài nguyên trong nền kinh tế tương lai của ASEAN, thảo luận về các giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất nhỏ vì một ASEAN bền vững hơn.
Tại Đối thoại, Phó Giáo sư Simon Tay, Chủ tịch SIIA, đánh giá ngành tài nguyên, một phần rất quan trọng của nền kinh tế, đang chịu nhiều áp lực trong nước và quốc tế.
Ngành này có cơ hội đáng kể để xác định lại tương lai bằng cách tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng. Tuy nhiên, Singapore phải bước đi cẩn trọng trong quá trình này.
Theo ông Simon Tay, bằng cách tận dụng chuỗi cung ứng toàn cầu và khai thác kiến thức chuyên môn ở nước ngoài, ASEAN có thể nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Điều quan trọng là khi điều hướng tiến trình biến đổi này, tính bền vững phải luôn được đặt lên hàng đầu. Ngành tài nguyên và ngành trồng trọt có tương lai nhưng đòi hỏi phải có sự đổi mới.
Phát biểu tại sự kiện lần này và tham gia vào phiên đối thoại chính có chủ đề “Tương lai của tăng trưởng xanh cho Singapore và ASEAN,” Bộ trưởng Grace Fu đánh giá chi phí cho năng lượng tái tạo đã giảm trong những năm gần đây và tương đương với năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết 5 trong số 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu sẽ nằm ở Đông Nam Á, bà Grace Fu nhấn mạnh khu vực cần phải đẩy nhanh hành động về khí hậu để bảo vệ cuộc sống và bảo vệ nền kinh tế.
Điều đáng mừng là có sự đồng thuận chính trị về hành động vì khí hậu. Tất cả các quốc gia ASEAN đã đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định và hầu hết đều đặt ra mục tiêu không phát thải ròng.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia cũng thảo luận nhiều đề tài cấp thiết đối với ngành tài nguyên và quá trình chuyển đổi xanh tại khu vực. Phiên đối thoại về “Con đường phía trước cho ngành tài nguyên - định hướng chính sách và thị trường,” “Quy định thương mại và tiêu chuẩn bền vững - thách thức hay cơ hội?” đã được các đại biểu quan tâm.
Nhiều quan điểm cho rằng thị trường thế giới đang trở nên nhạy cảm hơn với các vấn đề như lượng khí thải carbon và nạn phá rừng. Một làn sóng quy định mới sắp xuất hiện, đáng kể đến là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024.
Điều này sẽ tác động tới tương lai của thương mại toàn cầu về lâm sản và nông sản, vừa đem lại cơ hội cũng như thách thức đan xen.
Các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và các đại diện khối tư nhân cũng đã tập trung trao đổi về biện pháp để các nền kinh tế ASEAN đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng bền vững và các nhu cầu khác như an ninh năng lượng và lương thực khi nhu cầu tài nguyên ngày càng tăng./.