Tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hàng loạt sự cố máy bay Boeing
Sự cố mở đầu cho chuỗi “bất ổn” của Boeing xảy ra ngày 5/1 năm nay, khi một chiếc Boeing 737 MAX 9 do Alaska Airlines vận hành đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một mảng thân máy bay bị bung.
Tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Boeing (Mỹ) gần đây phải chịu sự giám sát chặt chẽ do một loạt sự cố liên quan các dòng máy bay của hãng làm dấy lên lo ngại về các tiêu chuẩn sản xuất và bảo trì.
Sự cố mở đầu cho chuỗi “bất ổn” của Boeing xảy ra ngày 5/1 năm nay, khi một chiếc Boeing 737 MAX 9 do hãng hàng không Alaska Airlines vận hành đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một mảng thân máy bay bị bung.
Sau đó, một loạt hãng hàng không, trong đó có United Airlines và Southwest Airlines, cũng đã báo cáo các sự cố máy bay Boeing.
Mới đây nhất, ngày 9/5, một chiếc Boeing 737-300 đã trượt khỏi đường băng trong lúc cất cánh ở Senegal, khiến 11 người bị thương, trong đó có 4 trường hợp nghiêm trọng.
Chỉ trước đó một ngày, một chiếc máy bay Boeing 767 chở hàng của FedEx cũng đã gặp sự cố không mở được càng đáp trong quá trình hạ cánh tại sân bay quốc tế Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Theo các chuyên gia hàng không, việc xảy ra sự cố liên tục như vậy "tương đối hiếm" trong ngành hàng không. Các chuyên gia thường tìm hiểu 3 nguyên nhân có thể giải thích cho các sự cố máy bay, bao gồm lỗi thiết kế, lỗi sản xuất và quá trình bảo trì không đạt tiêu chuẩn.
Hai vụ tai nạn nghiêm trọng của máy bay Boeing 737 MAX năm 2018 ở Indonesia và 2019 ở Ethiopia được cho là do lỗi thiết kế liên quan đến hệ thống ổn định chuyến bay.
Sự cố của Alaska Airlines hồi đầu năm có thể do lỗi từ khâu sản xuất, khi thiếu tới 4 chiếc bu lông cố định mảng thân bị bung.
Đối với nguyên nhân thứ 3, các nhà sản xuất máy bay thường không tham gia quá trình bảo trì động cơ sau khi máy bay đi vào hoạt động, vì vậy trách nhiệm bảo trì thuộc về hãng hàng không vận hành.
Bất chấp hàng loạt sự cố, các chuyên gia hàng không tại Mỹ cho rằng máy bay vẫn là phương tiện di chuyển an toàn nhất, khi so sánh thương vong trong giao thông hàng không và thương vong do tai nạn giao thông đường bộ ở nước này.
Trong khi đó, hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu, đối thủ cạnh tranh của Boeing, cũng phải đối mặt với những thách thức. Hàng trăm máy bay Airbus hiện đang phải dừng hoạt động để kiểm tra chất lượng động cơ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những sự cố liên quan đến máy bay Airbus xảy ra ít hơn và không có sự cố gây chú ý như sự cố máy bay Boeing của Alaska Airlines.
Theo công ty nghiên cứu cổ phiếu Bernstein, mỗi sự cố máy bay Boeing xảy ra gần đây đều khiến dư luận chú ý và cho rằng máy bay này không an toàn.
Trên thực tế, tỷ lệ sự cố xảy ra đối với máy bay Boeing và máy bay Airbus của các hãng hàng không Mỹ từ đầu năm đến nay tương đương nhau.
Hiện nay, đội bay thương mại của nước này có khoảng 4.800 máy bay, trong đó máy bay Boeing chiếm khoảng 60%./.