Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài
Ngôn ngữ không đơn thuần là tiếng nói, chữ viết mà còn là văn hóa, bản sắc, là công cụ để truyền tải văn hóa, tri thức và truyền thống, kết nối mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Chiều 30/8, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp với Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ bế giảng "Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023."
Tại buổi lễ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng cho biết trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn, có mặt ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng, ông Mai Phan Dũng khẳng định ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là tiếng nói, chữ viết mà còn là văn hóa, bản sắc, là công cụ để truyền tải văn hóa, tri thức và truyền thống, kết nối mạnh mẽ trong cộng đồng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
[Khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên ở nước ngoài]
Thông qua ngôn ngữ, giá trị văn hóa và hồn cốt người Việt được gìn giữ và lan tỏa mạnh mẽ trong mỗi người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.
Với cộng đồng tiếp tục lớn mạnh, nhu cầu kết nối, duy trì tiếng mẹ đẻ là vô cùng cấp thiết, là ưu tiên trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài của Ủy ban.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nêu trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đều nhấn mạnh nhiệm vụ "đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam;" coi trọng việc hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
"Điểm đáng mừng, đây cũng là lĩnh vực hoạt động nhận được ủng hộ rộng rãi của các chủ thể liên quan ở trong và ngoài nước, đặc biệt là những giáo viên, tình nguyện viên ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới," ông Mai Phan Dũng nhấn mạnh.
Cho biết khóa tập huấn năm 2023 đã hoàn thành các nội dung đề ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tin tưởng, sau mỗi khóa học, trình độ dạy tiếng Việt của các thầy cô, tình nguyện viên sẽ được nâng cao thêm và ngày càng được hoàn thiện, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Diễn ra từ ngày 16/8 đến nay, tại Hà Nội, khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm nay thu hút hơn 60 giáo viên người Việt Nam từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự.
Khóa tập huấn được thiết kế 20 buổi học chuyên môn với 3 nội dung chính: Những vấn đề ngôn ngữ học đại cương và tiếng Việt; Tiếng Việt trong đời sống văn hóa Việt Nam; Phương pháp dạy học tiếng Việt và kiểm tra đánh giá.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, đến nay, khóa tập huấn đã thu hút hơn 800 giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia.
Với hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Các khóa tập huấn nhằm cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; đồng thời đáp ứng tình cảm và nguyện vọng của bà con kiều bào mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ dạy tiếng Việt cho con em mình.
Khóa tập huấn là một trong số những hoạt động gắn với công tác cộng đồng, có đóng góp tích cực trong việc xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức và hoạt động về tiếng Việt trong cộng đồng với sự tham gia của các cơ quan đại diện của Việt Nam, tổ chức và cá nhân kiều bào, sự hợp tác và hỗ trợ của sở tại. Đây còn là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn, sư phạm của giáo viên trong việc giảng dạy tiếng Việt theo giáo trình dành riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.
Tham dự khóa tập huấn, các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài được tham gia các hoạt động bên lề nhằm tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, công cuộc đổi mới toàn diện ở trong nước.../.