Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị

Kết luận tại Phiên họp, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 Trương Thị Mai khái quát các nhóm vấn đề Ban Chỉ đạo cần tập trung thực hiện trước khi tiến hành phiên họp tiếp theo.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 21/4, tại Trụ sở Ban Tổ chức Trung ương đã diễn ra Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6).

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án và ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đồng chủ trì Phiên họp.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải bao quát, toàn diện các lĩnh vực

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương cho biết sau khi Phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo đã ban hành quy chế làm việc, kế hoạch hoạt động, thông cáo phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ đạo; chỉ đạo Tổ Biên tập triển khai các nhóm nhiệm vụ công việc.

Ban Chỉ đạo đã có văn bản hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), xây dựng các báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tổng kết từ cơ sở; 113/116 báo cáo tổng kết của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương cùng 11 báo cáo chuyên đề gửi về Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo đã tổ chức 5 đoàn khảo sát tại 25 cơ quan, địa phương, đơn vị và sắp tới sẽ tiếp tục khảo sát thêm 2 địa phương. Ban Chỉ đạo cũng ban hành kế hoạch tổ chức hội thảo quốc gia về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam dự kiến trong khoảng tháng Sáu và tháng Bảy tới.

Ông Nguyễn Quang Dương đánh giá qua nghiên cứu báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề của các địa phương, đơn vị và nhìn nhận từ thực tiễn kết quả khảo sát địa phương, đơn vị cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) rất nghiêm túc, sinh động, phong phú. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tổ chức tổng kết từ cơ sở rất bài bản, nghiêm túc. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

[Chương trình hành động về đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng]

"Thực tiễn cho thấy địa phương nào cụ thể hóa thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng tốt, toàn diện thì địa phương đó có sự đổi mới, phát triển rất đáng ghi nhận," Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đánh giá.

Ông Nguyễn Quang Dương cũng cho biết các địa phương, đơn vị cũng đề xuất, kiến nghị Trung ương ban hành Nghị quyết mới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới một cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn với những chủ trương, giải pháp phù hợp trong điều kiện mới.

Hiện nay, dự thảo Báo cáo tổng kết gồm hai phần chính gồm tình hình triển khai kết quả đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đến nay (công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và kết quả thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị); bối cảnh, tình hình trong thời kỳ mới, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và những đề xuất, kiến nghị (với 8 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó ngoài 6 nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Thường trực Ban Chỉ đạo đề xuất thêm 2 giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về một số nội dung phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong tình hình mới).

Phát biểu định hướng góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề mang tính lý luận, thực tiễn bao quát, toàn diện. Nêu rõ mục tiêu của việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là tiếp tục nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh để đảm bảo cho đất nước phát triển theo các mục tiêu đã đề ra trong những năm tiếp theo, Đảng phải luôn đảm bảo sự lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền ngày một tốt hơn.

Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải bao quát, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội từ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Trong những nhiệm kỳ vừa qua, 5 phương thức lãnh đạo của Đảng ghi nhận trong Cương lĩnh được các cấp ủy quan tâm thực hiện, trong đó 3 phương thức trọng yếu là Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương; lãnh đạo thông qua công tác cán bộ, tổ chức bộ máy; lãnh đạo thông qua kiểm tra, giám sát. Mỗi phương thức này gắn vào từng cơ quan, đơn vị lại có cách thức triển khai thực hiện khác nhau; do đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng phân định rõ các nhóm cơ quan để tiến hành nghiên cứu việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bao gồm các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng; nhóm các cơ quan Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Qua thảo luận, thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự chuẩn bị của Tổ Biên tập và thống nhất cao với bố cục của Báo cáo tổng kết; đề xuất, kiến nghị các nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn để Tổ Biên tập tiếp thu và hoàn thiện Đề án, tiến tới xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Cập nhật các văn bản hiện hành liên quan đến vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Kết luận tại Phiên họp, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 Trương Thị Mai khái quát các nhóm vấn đề Ban Chỉ đạo cần tập trung thực hiện trước khi tiến hành phiên họp tiếp theo.

Về phạm vi tổng kết, trọng tâm là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa X). Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay Đảng đã ban hành nhiều văn bản về những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Do đó, phạm vi tổng kết vẫn sẽ mở rộng ra các vấn đề liên quan, đặc biệt là Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, đặt trong tổng thể là cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Qua thảo luận, cơ bản các thành viên thống nhất cao với bố cục tổng thể của dự thảo báo cáo gồm 4 phần với các lưu ý cụ thể: tình hình kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) bao gồm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết với các quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề này; việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) với các nhóm vấn đề gồm: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với nhóm các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng ở Trung ương; các cơ quan Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng; tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc); công tác tuyên truyền vận động; công tác tổ chức bộ máy và cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực; vấn đề nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới phong cách lề lối làm việc.

Phần đánh giá chung phải đánh giá tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức của Đảng để đảm bảo vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân; phần phương hướng sẽ cân nhắc thêm các nhiệm vụ, giải pháp.

Đồng thời cân đối các phần của nội dung báo cáo theo đề xuất, kiến nghị của các thành viên Ban Chỉ đạo; cập nhật các văn bản hiện hành liên quan đến vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để đưa vào báo cáo tổng kết một cách phù hợp, thuyết phục.

Tại Phiên họp thứ ba sẽ trình Ban Chỉ đạo bao gồm: Báo cáo tổng kết và phụ lục; tờ trình; dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 15 có thể lấy tên là “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết trước khi Phiên họp thứ ba diễn ra, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát thêm 2 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo sắp xếp thời gian, tiếp tục tham gia một số cuộc hội thảo để lắng nghe các cơ quan, đơn vị phát biểu ý kiến về vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tại chính đơn vị mình./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)