Tiền Giang: Hỗ trợ nước sinh hoạt cho nhân dân vùng thiên tai xâm nhập mặn
Trong giai đoạn 2023-2025 và sau năm 2025, tỉnh triển khai đầu tư 1.752 tỷ đồng thực hiện 18 công trình cấp nước nông thôn, 11 công trình của dự án đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ sinh hoạt.
Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, Bùi Thái Sơn cho biết sau khi công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn tại huyện vào ngày 5/4 vừa qua, địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, chung tay triển khai các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn đang phải đối mặt với thiên tai hạn mặn gay gắt.
Tỉnh đã cho mở 7 vòi nước công cộng; tổ chức 32 điểm đặt bồn cấp nước tại các địa bàn dân cư, phục vụ miễn phí khoảng 1.500 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu tập trung ở các xã: Phú Tân, Tân Thạnh, Phú Đông đang sinh sống ven biển, ven đê, ở xa trong đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Đến nay, các vòi nước công cộng và điểm đặt bồn nước đã phục vụ gần 2.000m3 nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phú Đông đã chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai phương án dùng sà lan vận chuyển nước ngọt từ phía thượng lưu sông Tiền về trữ trong hai ao chứa ở huyện cù lao Tân Phú Đông nhằm cung cấp nước ngọt phục vụ nhân dân.
Ngoài ra, những ngày qua, các cấp, ngành, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã chung sức ủng hộ nhân dân địa phương vượt qua khó khăn, thách thức, giảm nhẹ thiên tai bằng những việc làm thiết thực.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải, tổng lượng nước nhân dân vùng thiên tai đã nhận được từ các nguồn tài trợ gồm 48 chuyến sà lan chở nước ngọt thô về cấp nước trong các ao chứa cung ứng trên 69.000m3 nước ngọt thô cùng hàng chục ngàn m3 nước ngọt tinh khiết dùng để uống, trên 54.000 lốc nước uống đóng chai loại 0,5 lít/ chai, gần 600 bồn chứa nước các loại, gần 91.000 bình nước lọc cùng hàng trăm triệu đồng tiền mặt.
Ước tính, tổng lượng nước từ các nguồn vận động xã hội hóa cùng với nguồn từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Tiền Giang huy động để cấp nước cho nhân dân từ ngày công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn đến nay đạt gần 318.000m3.
Hàng ngày, các chuyến xe chở nước từ thiện từ khắp các nơi vẫn tiếp tục đến huyện cù lao qua bến phà Bình Ninh và bến phà Tân Long để cấp miễn phí cho dân.
Về lâu dài, để giải quyết căn cơ việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân địa bàn khó khăn, trong đó có huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư mở rộng và kiện toàn hạ tầng cấp nước, để mọi người đều được hưởng lợi từ các hệ thống cấp nước tập trung.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, trong giai đoạn 2023-2025 và sau năm 2025, tỉnh triển khai đầu tư 1.752 tỷ đồng thực hiện 18 công trình cấp nước nông thôn, 11 công trình thuộc dự án đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ sinh hoạt khu vực nông thôn và 350 công trình cấp nước sinh hoạt cho các vùng lõm, khu vực ven sông, ven biển tập trung ở các địa phương nhiều khó khăn như Gò Công Đông, Tân Phú Đông...
Qua đó, đảm bảo người dân các xã vùng sâu, ngoài đê, ven cửa sông, ven biển, hộ sống phân tán chưa được dùng nước từ các trạm cấp nước tập trung có thể đến lấy nước dùng, tránh tình trạng phải mua hoặc đổi nước ngọt với giá đắt như trước đây.
Đối với huyện Tân Phú Đông, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khoảng 160 tỷ đồng nâng cấp và mở rộng hai ao chứa nước ngọt Phú Thạnh và Tân Thời có tổng diện tích 16ha nhằm trữ nước ngọt, bảo đảm phục vụ nhu cầu nhân dân trong mùa khô hạn và xâm nhập mặn hàng năm./.