Thùy Tiên, Hứa Kim Tuyền chia sẻ gì tại Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu?
Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International) Nguyễn Thúc Thùy Tiên, nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền, CEO doanh nghiệp sáng tạo Nguyễn Việt Nam đã tận dụng cơ hội quảng bá văn hóa Việt tại hội nghị.
Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 không chỉ là diễn đàn bàn về các vấn đề vĩ mô như hoạt động nghị viện, lập pháp, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững…
Tại đây, nhiều đại biểu trẻ của nước chủ nhà như Hoa hậu Hoà bình Quốc tế (Miss Grand International) Nguyễn Thúc Thùy Tiên, nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền, CEO doanh nghiệp sáng tạo Nguyễn Việt Nam “tranh thủ” cơ hội để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, giàu lòng mến khách.
Trao quyền cho người trẻ
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Hoa hậu Thùy Tiên bày tỏ sự vui mừng, vinh dự khi có cơ hội tham dự Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 bởi nội dung hội nghị này rất sát với những công việc mà cô đang theo đuổi.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của các quốc gia tham gia và công chúng quốc tế, đặc biệt là những người trẻ. Nhờ đó, Việt Nam có cơ hội tăng cường vị thế, uy tín trên trường quốc tế. Qua đây, Thùy Tiên được trò chuyện, giao lưu với các đại biểu quốc tế, có điều kiện giới thiệu về đất nước, văn hóa Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Thùy Tiên cũng mong muốn có thể học hỏi về quá trình đổi mới sáng tạo, tiếp thu quá trình Chuyển đổi Số ở các nước khác.
“Tôi sinh ra và lớn lên trong giai đoạn công nghệ thông tin đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Những người trẻ ở lứa tuổi của tôi có khả năng tiếp thu, hội nhập thế giới song đâu đó ở Việt Nam, vẫn còn nhiều bạn trẻ gặp trở ngại trong việc tiếp nhận công nghệ,” Thùy Tiên chia sẻ.
Hoa hậu cho rằng lợi thế lớn nhất của mình là sức ảnh hưởng trong xã hội. Do đó, Thùy Tiên sẽ truyền tải những gì mình học hỏi được tại hội nghị đến giới trẻ Việt Nam đồng thời áp dụng vào những chương trình mà cô đang triển khai như quảng bá văn hóa đồng bào dân tộc, giao lưu văn hóa với bà con vùng sâu vùng xa hay các hoạt động từ thiện.
Cô cho rằng người trẻ hay bị “gắn mác” thiếu kinh nghiệm. Điều này là một trở ngại đối với sự sáng tạo của họ.
“Tôi cho rằng các bạn trẻ Việt Nam rất thông minh, tự do, phóng khoáng, có tinh thần hội nhập. Chúng ta đang ở trong một bối cảnh mà mọi thứ diễn ra rất nhanh và thay đổi cũng nhanh. Người trẻ cần được tin tưởng và trao quyền nhiều hơn để họ tự tin sáng tạo, không ngại trải nghiệm những điều mới mẻ,” Thùy Tiên bày tỏ.
Người trẻ kể chuyện văn hóa Việt Nam
Nguyễn Việt Nam, sáng lập viên doanh nghiệp sáng tạo Tired City, là người đã có nhiều dự án phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống, xây dựng nền tảng giao lưu cho các nghệ sỹ trẻ, ứng dụng chất liệu tranh dân gian vào các sản phẩm hiện đại…
Anh rất hứng thú với phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” bởi vấn đề này rất gần gũi với chuyên môn của mình.
Nguyễn Việt Nam từng đến nhiều làng nghề và trăn trở về việc làm thế nào để sản phẩm thủ công trở thành một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, thực sự tạo ra việc làm ổn định cho người dân và đóng góp bền vững vào nền kinh tế quốc gia.
[Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển]
Trước đây, những mặt hàng thủ công được sử dụng rộng rãi trong xã hội, hình thành các làng nghề. Qua thời gian, các sản phẩm này không thể cạnh tranh với các mặt hàng được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp bởi không có lợi thế về giá cả, mẫu mã…
Theo Việt Nam quan sát, đa phần khách du lịch đến một làng nghề tham quan, xem người dân thao tác, lác đác có người mua vài món đồ làm quà lưu niệm. Anh cho rằng phải kết nối toàn bộ các yếu tố liên quan đến làng nghề thành một sản phẩm du lịch tổng thể, phải kể một câu chuyện văn hóa xoay quanh món đồ thủ công truyền thống và xây dựng mẫu mã, bao bì, thương hiệu cho sản phẩm thì mới có thể biến nó thành một sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Tôn trọng đa dạng văn hóa
Trong số các đại biểu trẻ Việt Nam còn có nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền, “cỗ máy tạo hit” của âm nhạc Việt Nam, tác giả các ca khúc được giới trẻ yêu thích như “Đi về nhà” (MV “Đi về nhà” của Đen-Justa Tee đã giành Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến năm 2021); “Một ngàn nỗi đau,” “Sài Gòn đau lòng quá”…
Hứa Kim Tuyền tỏ ra hứng thú với phiên thảo luận về đa dạng văn hóa. Anh cho rằng Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng trong thống nhất. Nhạc sỹ mong muốn có thể tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ các đại biểu quốc tế để ứng dụng vào công việc của mình cũng như lan tỏa đến những bạn trẻ Việt Nam.
“Tôi cho rằng tôn trọng đa dạng văn hóa là nền tảng để phát triển văn hóa dân tộc. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đã rất thành công trong việc xuất khẩu văn hóa và chắc chắn Việt Nam cũng sẽ có ngày thành công như vậy,” Hứa Kim Tuyền bày tỏ.
Nhạc sỹ cho rằng bản thân Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 chính là một biểu hiện của sự tôn trọng đa dạng văn hóa.
“Tôi bắt gặp ở đây nhiều đại biểu từ các quốc gia, có chuyên môn ở nhiều ngành nghề khác nhau, họ mặc trang phục dân tộc rất đặc sắc. Điều đó thôi thúc chúng ta tôn trọng đa dạng văn hóa,” Hứa Kim Tuyền bày tỏ./.