Thúc đẩy tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản

Theo ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, JICA sẽ tập trung hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trên bốn lĩnh vực, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. (Nguồn: Vietnam+)

Sau thời gian hợp tác lâu dài, Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước tiến vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.

Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia (1973-2023), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam về những đóng góp của tổ chức này đối với sự phát triển của Việt Nam thời gian qua cũng như trong tương lai.

- Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp. Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật nhất trong hợp tác ODA giữa hai nước trong 30 năm qua, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, đầu tư và nhân lực?

Ông Sugano Yuichi: JICA là cơ quan chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động Hợp tác Phát triển Chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản, hiện đang thực hiện các dự án ODA tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.

Trong số đó, Việt Nam nằm trong top 5 các nước triển khai nhiều dự án nhất, với hơn 100 dự án đang thực hiện, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng, nông nghiệp…

Kể từ khi Nhật Bản nối lại ODA cho Việt Nam vào năm 1992, hai nước đã và đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực, với tổng số vốn ODA lũy kế hơn 3 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 600.000 tỷ đồng). Nhật Bản trở thành nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam trong số các nước thành viên OECD.

Cho đến nay, ODA của Nhật Bản đã góp phần củng cố nền tảng phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua việc phát triển các tuyến đường cao tốc như Quốc lộ 1, Đường Cao tốc Bắc Nam, xây dựng công trình các cảng như Cảng Lạch Huyện, Cảng Cái Mép-Thị Vải, xây dựng các nhà máy phát điện.

Trong lĩnh vực y tế, ngoài việc nâng cao chất lượng các bệnh viện nòng cốt như Bệnh viện Bạch Mai, JICA cũng hợp tác sản xuất 100% vaccine sởi, rubella trong kế hoạch tiêm chủng mở rộng.

Trong lĩnh vực giáo dục, JICA đã và đang hợp tác với Đại học Cần Thơ hơn 50 năm qua. Trong những năm gần đây, JICA tiếp tục góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam thông qua dự án hợp tác với Đại học Việt Nhật (VJU) và tiếp nhận sinh viên quốc tế.

Trong tương lai, JICA sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam về cả phần cứng và phần mềm, góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng phát triển.

[Củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản]

- Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn khẳng định mong muốn hợp tác song phương trong các lĩnh vực phát triển bền vững và kinh tế xanh trong thời gian tới. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch, chương trình hợp tác ODA sắp tới giữa hai nước? Vốn ODA của Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay. Chiến lược ODA của Nhật Bản và lĩnh vực ưu tiên dành cho Việt Nam thời gian tới là gì?

Ông Sugano Yuichi: Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay.

Trong tương lai, tôi mong rằng không chỉ JICA mà các bên liên quan như các trường đại học Nhật Bản, chính quyền địa phương, các công ty tư nhân và tổ chức phi chính phủ sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án ODA nhằm tăng cường giao lưu nhân dân, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển hơn nữa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội thảo Kinh tế Cấp cao Việt Nam-Nhật Bản hồi tháng 3/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong thời gian tới, JICA sẽ tập trung hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trên bốn lĩnh vực sau:

Thứ nhất là hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam, tiêu biểu là tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Thứ hai là hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực. JICA đã và đang hỗ trợ trường Đại học Cần Thơ trong hơn 50 năm kể từ năm 1969, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam thông qua Dự án Trường Đại học Việt Nhật (VJU) khai trường vào năm 2016.

Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh hợp tác thông qua 3 bệnh viện nòng cốt, JICA hỗ trợ thiết lập hệ thống y tế từ xa tại các cơ sở y tế địa phương ứng dụng kỹ thuật chuyển đổi số (DX).

Bên cạnh đó, JICA sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học nhằm hỗ trợ Việt Nam cải tiến kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc điều dưỡng để đối phó với tình trạng già hóa dân số đang trở thành một vấn đề mới tại Việt Nam.

Thứ tư là hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu. JICA sẽ sử dụng Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund - GCF) thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên nhằm hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050.

Trong tương lai, JICA sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy tình hữu nghị và phát triển giữa hai nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)