Thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường Việt Nam-Thái Lan
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Thái Lan trong tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các kênh: Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân.
Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu Cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Thái Lan từ ngày 7-10/12, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
- Bà có thể khái quát hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong thời gian qua, nhất là hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Hai bên đang tích cực thúc đẩy Chương trình Hành động Triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027.
Năm 2023, hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (2013-2023).
Hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố; tiếp xúc cấp cao và các cấp cũng như cơ chế hợp tác song phương được duy trì hiệu quả (gần đây nhất là chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch nước tháng 11/2022; Thủ tướng Chính phủ gặp Thủ tướng Thái Lan nhân dịp tham dự Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2023).
Hợp tác kinh tế phát triển tích cực. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và thứ 9 trên thế giới với kim ngạch hai chiều đạt gần 21,6 tỷ USD năm 2022, tăng 15,2% so với năm 2021.
Tính đến hết tháng 9/2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 14,1 tỷ USD.
Thái Lan đứng thứ 9 trong số các nước có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN có đầu tư tại Việt Nam (sau Singapore) với 715 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 13,7 tỷ USD.
Hai nước đang tích cực triển khai Chiến lược "Ba kết nối," bao gồm: Kết nối chuỗi cung ứng; Kết nối doanh nghiệp và các địa phương hai nước; Kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững.
Hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, văn hóa, du lịch, giáo dục, giao lưu nhân dân... đang phát triển tích cực.
Hai nước tiếp tục phối hợp lập trường chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt tại Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, các cơ chế tiểu vùng Mekong...
Quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp trong thời gian qua không ngừng được thúc đẩy và phát triển tốt đẹp.
Hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội và giữa các Nghị sỹ, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam và Thái Lan nói chung; duy trì tham vấn lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ tại các Diễn đàn đa phương, liên nghị viện khu vực và quốc tế như IPU, AIPA, APPF; duy trì tiếp xúc, nhất là tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị nghị viện đa phương.
Gần đây nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha nhân dịp tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 tại Jakarta, Indonesia.
- Bà đánh giá như thế nào về bối cảnh và ý nghĩa chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Chuyến thăm Đoàn Đại biểu Cấp cao Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu thăm chính thức Vương quốc Thái Lan nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, chủ động, tích cực củng cố và mở rộng nền tảng quan hệ chính trị, thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam và Thái Lan trong tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các kênh: Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân, tăng cường tin cậy chính trị; xây dựng và củng cố quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo cấp cao ta với lãnh đạo cấp cao của bạn.
Đây là chuyến thăm chính thức Thái Lan đầu tiên của ông Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, cũng là chuyến thăm Thái Lan của lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam sau khi bạn thành lập Chính phủ mới; có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang tích cực triển khai các hoạt động thiết thực kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.
Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Thái Lan thể hiện coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan cũng như xây dựng mối quan hệ cá nhân với Lãnh đạo cấp cao Thái Lan.
Trong chuyến thăm, dự kiến hai bên sẽ trao đổi phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa hai nước giai đoạn 2022-2027; đồng thời trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước trong khuôn khổ song phương và đa phương; trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm và ký Thỏa thuận Hợp tác giữa hai Quốc hội và các Cơ quan của Quốc hội.
- Bà có thể thông tin về những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Mặc dù chuyến thăm diễn ra trong thời gian ngắn nhưng Chủ tịch Quốc hội dự kiến sẽ có hơn 30 hoạt động tại Thủ đô Bangkok và tỉnh Udon Thani.
Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội sẽ tiếp xúc, hội đàm, hội kiến với các nhà Lãnh đạo cấp cao Vương quốc Thái Lan và tham dự một số sự kiện chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... quan trọng khác.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là việc ký Thỏa thuận Hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Thái Lan, giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Hạ viện Thái Lan.
Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan của Quốc hội tổ chức các hoạt động hợp tác thường xuyên và định kỳ, góp phần đưa hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và thiết thực hơn nữa.
Tôi tin rằng Thỏa thuận Hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Thái Lan khi được ký kết sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác nghị viện song phương; qua đó góp phần thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên một tầng nấc mới.
Đây cũng là cơ sở để trong thời gian tới, thông qua kênh ngoại giao Nghị viện, hai bên tiếp tục triển khai các biện pháp hợp tác cụ thể như: trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; thông tin về chính sách pháp luật hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân hai nước sinh sống, học tập và kinh doanh tại mỗi nước; phối hợp rà soát, giám sát/thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các hiệp định và thỏa thuận đã ký kết giữa Chính phủ và các bộ, ngành hai nước, từ đó góp phần mang lại lợi ích cho cả 2 bên, tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
- Trân trọng cảm ơn Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà!/.