Thúc đẩy hợp tác về thể dục thể thao giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ
Bỉ và Đại sứ quán Bỉ ở Việt Nam muốn phối hợp với Cục Thể dục Thể thao triển khai Dự án “Xây dựng mạng lưới huấn luyện tinh thần cho thể thao Việt Nam” nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Bỉ-Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Thể dục Thể thao thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 19/3, Cục trưởng Đặng Hà Việt đã làm việc với ông Alain Goudsmet, Chủ tịch Tập đoàn Mentally Fit Global, Vương quốc Bỉ, về nhiều nội dung liên quan tới hợp tác trong lĩnh vực thể dục thể thao.
Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa Việt Nam và Bỉ (22/3/1973-22/3/2023), phía Vương quốc Bỉ và Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam bày tỏ mong muốn phối hợp với Cục Thể dục Thể thao triển khai Dự án “Xây dựng mạng lưới huấn luyện tinh thần cho thể thao Việt Nam” nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam trong lĩnh vực này.
Trước đó, Chủ tịch Tập đoàn Mentally Fit Global Alain Goudsmet đã gặp gỡ, quan sát ban huấn luyện và thành viên một số đội tuyển bóng đá và bóng rổ để hiểu được sự vận hành của các đội tuyển thể thao tại Việt Nam.
Nhận định sau chuyến thăm, ông Alain Goudsmet cho biết hầu hết các đội tuyển của Việt Nam chưa có một vị trí cho huấn luyện viên tinh thần mặc dù hiểu rõ vị trí này vô cùng quan trọng. Đội tuyển bóng đá Bỉ giành được rất nhiều thành tích cao cho đến thời điểm này là nhờ sự đóng góp rất lớn của các huấn luyện viên tinh thần.
Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt chia sẻ: “Ở góc độ thể thao đỉnh cao, Cục và các phòng chuyên môn rất quan tâm đến nội dung huấn luyện linh thần. Ở các đội tuyển thể thao Quốc gia Việt Nam hiện nay, vị trí huấn luyện viên tâm lỹ, tinh thần, chăm sóc sức khỏe còn rất hạn chế. Thể thao Việt Nam đang hướng đến việc xây dựng vị trí việc làm, xây dựng và đào tạo đội ngũ huấn luyện viên nêu trên."
Theo ông Alain Goudsmet, trong quá trình huấn luyện cần chú ý đến hai khía cạnh vô cùng quan trọng đó là đơn giản hóa thậm chí tối giản hóa ngôn từ và trực quan hóa, hình ảnh hóa nội dung muốn truyền tải.
Qua quan sát các vận động viên tại làng Olympic qua các kỳ Thế vận hội, có thể thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các vận động viên có thành tích cao và các vận động viên tại Olympic về nhận thức. Có những vận động viên chỉ cần lọt vào Olympic, có những vận động viên mong muốn giành huy chương và có những vận động viên đặt mục tiêu trở thành huyền thoại. Chính vì vậy, cần phải rèn luyện cho các vận động viên ngay từ đầu để trở hành các vận động viên có tính kỷ luật cao về tinh thần.
Nâng đỡ vận động viên về mặt tinh thần hay phát triển về mặt tư duy là một quá trình, chính vì vậy phải triển khai từ rất sớm. Huấn luyện viên tinh thần có vai trò rất lớn, thậm chí còn phải đồng hành, sát cánh và hỗ trợ huấn luyện viên trưởng.
Sau khi làm việc với ban kỹ thuật của Tập đoàn, ông Alain Goudsmet chia sẻ về lộ trình phối hợp với Thể thao Việt Nam trong công tác đào tạo huấn viên tinh thần cấp độ nền tảng. Cấp độ này sẽ giúp vận động viên tăng cường khả năng tập trung, nâng cao sự tự tin, rèn luyện tinh thần vượt khó và quản lí cảm xúc.
Đối tượng hướng tới không chỉ là vận động viên mà cả huấn luyện viên trưởng, các thành viên ban huấn luyện, huấn luyện viên cá nhân… nhằm tạo nguồn để tiếp tục nhân rộng các khóa tập huấn này trong tương lai. Cùng với đó, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao Quốc gia phải cùng phối hợp, chia sẻ và rút ra bài học kinh nghiệm.
Đánh giá cao tầm quan trọng của Dự án cũng như những chia sẻ từ phía Chủ tịch Tập đoàn Mentally Fit Global, Cục trưởng Đặng Hà Việt giao phòng Hợp tác quốc tế, phòng Thể thao thành tích cao 1, 2 phối hợp với Tập đoàn Mentally Fit Global tạo một lộ trình làm việc cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Dự án này. Dự kiến giai đoạn 1 của Dự án sẽ được triển khai vào tháng Năm nay./.