Thúc đẩy giao thương quốc tế, kết nối, nâng tầm càphê Việt Nam

Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm càphê Việt nhằm tìm giải pháp nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và kiến tạo vị thế quốc tế cho càphê; hỗ trợ kết nối giao thương cho các doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ các hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, sáng 11/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt.

Tham dự hội nghị có hơn 800 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; Đại sứ, Tổng Lãnh sự các nước; đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà phân phối.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng từ lâu đã nổi danh với những vùng càphê bạt ngàn. Tỉnh được mệnh danh là “Thủ phủ càphê của Việt Nam.”

Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã có sự đoàn kết, quyết tâm nỗ lực, phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước chuyển mình, phấn đấu vươn lên trở thành địa phương phát triển, giàu mạnh, có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc biệt sản phẩm càphê đã trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng trong khu vực và thế giới.

Hội nghị nhằm nhận diện rõ hơn và tái khẳng định vai trò, vị thế của ngành công nghiệp càphê, tìm cơ hội và giải pháp để gia tăng giá trị càphê Việt. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Niên vụ 2023-2024, cả nước xuất khẩu càphê đạt 1.476.842 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,425 tỷ USD, giảm 11,3% về lượng nhưng tăng gần 33% về giá trị so với niên vụ trước.

Riêng tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu đạt 264.404 tấn càphê, chiếm tỷ trọng 17,9% so với cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 915,795 triệu USD, tăng 22,5% so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 16,9% so với cả nước.

Nhìn chung, xuất khẩu càphê trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là càphê nhân, càphê hòa tan các niên vụ gần đây tuy có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu càphê.

Các sản phẩm càphê chế biến khác như càphê rang, càphê bột... xuất khẩu rất ít. Bên cạnh đó, hiện nay giá trị càphê Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc phân khúc cấp thấp; xuất khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô; tổ chức sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ; chất lượng chưa đồng đều; công nghệ chế biến sâu còn hạn chế là một trong những thách thức khi phải đáp ứng các thị trường lớn, với yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao.

“Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm càphê Việt nhằm nhận diện rõ hơn và tái khẳng định vai trò, vị thế của ngành công nghiệp càphê, tìm cơ hội và giải pháp để gia tăng giá trị càphê Việt; là nhịp cầu để kết nối những người quan tâm đến càphê, cùng càphê và vì càphê gần lại với nhau hơn.

Bên cạnh đó, hội nghị nhằm chung tay nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và kiến tạo vị thế quốc tế cho càphê; hỗ trợ kết nối giao thương cho các doanh nghiệp; truyền thông và tiếp thị sản phẩm, thương hiệu càphê; đưa càphê lên tầm cao mới, xứng đáng với vai trò, vị thế của loại thức uống phổ biến này” - ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nhấn mạnh, Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm càphê Việt giúp ngành càphê tiếp cận kinh tế tuần hoàn, kinh tế trải nghiệm, gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa lịch sử địa phương; đồng thời giúp ngành càphê chủ động thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và xu thế tiêu dùng.

Đáng quan tâm, gần đây có Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR) đã được Nghị viện châu Âu thông qua. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho càphê Buôn Ma Thuột nói riêng và ngành hàng càphê Việt Nam nói chung, đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Bộ Công Thương tin tưởng rằng Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch giữa các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên với các tỉnh, thành trong cả nước và các nước trên thế giới để ngày càng gắn kết, phát triển, tạo động lực thi đua trong công cuộc hội nhập đa phương hóa, đa dạng hóa.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm càphê và nông sản khác trong khuôn khổ Hội nghị. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Tại hội nghị, các đại biểu đã được Tổng Giám đốc Tổ chức Càphê Thế giới (ICO) Vanusia Nogueira thông tin về tình hình thị trường càphê thế giới, xu hướng tiêu dùng càphê.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Quốc Mạnh thông tin về kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ thích ứng với quy định EUDR đối với ngành hàng càphê Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề như các tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với vùng trồng càphê; Vai trò doanh nghiệp trong việc nâng tầm càphê Việt và xây dựng thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột - điểm đến càphê thế giới; Đánh giá tình hình xuất khẩu càphê niên vụ 2023-2024, nhận định xu thế thị trường và rào cản tiêu dùng càphê thế giới hiện nay, định hướng thị trường cho ngành hàng càphê Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội nghị, đại biểu đã tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm càphê và nông sản khác, đàm phán kết nối giao thương.

Dịp này, sau phần trao đổi, hội nghị diễn ra Lễ ký kết 18 biên bản thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh Đắk Lắk với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài.

Nội dung ký kết về xuất khẩu càphê, sầu riêng, càphê đặc sản hạt rang, càphê đặc sản phin giấy, càphê bột, càphê hòa tan; Xây dựng kênh phân phối kết nối càphê, nông sản vào thị trường Trung Quốc; Hợp tác để xây dựng Đắk Lắk thành vùng nguyên liệu càphê bền vững quy mô lớn tuân thủ Quy định về sản xuất càphê không gây mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EUDR) và các yêu cầu thị trường, cải thiện sinh kế của nông dân./.