Thủ tướng Việt Nam và Campuchia dự Diễn đàn Đầu tư, Thương mại song phương
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, các biên bản thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng, xuất nhập khẩu.
Trong chương trình thăm chính thức Việt Nam của Samdech Moha Bovor Thipadei, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Manet, sáng 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet cùng dự Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam-Campuchia.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Campuchia thời gian qua có bước tiến lớn, tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2015-2022 và vượt 10 tỷ USD vào năm 2022.
Việt Nam tiếp tục đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia với 205 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,95 tỷ USD.
Tuy nhiên, tiềm năng, dư địa hợp tác kinh tế giữa hai nước còn nhiều. Một số khó khăn, vướng mắc mà hai bên cần giải quyết để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, tạo đột phá trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nền kinh tế; trong đó, tăng cường kết nối 2 nền kinh tế, hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm sản, du lịch, y tế, giáo dục, hạ tầng…
Phát biểu tại sự kiện, Samdech Moha Bovor Thipadei, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Manet nhấn mạnh sau 56 năm thiết lập, quan hệ ngoại giao Việt Nam- Campuchia không ngừng được vun đắp, phát triển trên tất cả các lĩnh vực, là “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”
Chính vì thế, Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên mà ông đến thăm sau khi nhậm chức Thủ tướng Vương quốc Campuchia; tin tưởng sau chuyến thăm quan hệ hợp tác hai nước tiếp tục phát triển, trong đó có hợp tác thương mại, đầu tư và dịch vụ.
Theo Thủ tướng Hun Manet, đến nay, vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Campuchia đạt trên 2,91 tỷ USD. Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế -xã hội của Campuchia. Khách du lịch Việt Nam sang Campuchia hiện đứng thứ hai trong số các nước có khách đến Campuchia, trong khi hơn 320.000 người Campuchia đã đến Việt Nam; cho biết Chính phủ Campuchia vừa khánh thành sân bay quốc tế Siem Reap và sắp khánh thành sân bay quốc tế mới của Phnom Penh với sự hợp tác của các hãng hàng không, trong đó với việc Vietjet mở đường bay thẳng Hà Nội-Siem Reap, lượng khách du lịch giữa hai nước dự báo sẽ tăng mạnh thời gian tới.
Thủ tướng Hun Manet cho rằng mặc dù hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt nhiều tiến bộ, song tiềm năng hợp tác còn rất lớn, nhất là khi hai nước có chung chuỗi cung ứng sản xuất, cùng tham gia các cơ chế hợp tác như Hiệp định RCEP, nhiều lĩnh vực có thể bổ sung, học hỏi, bổ trợ lẫn nhau…
Cho biết Campuchia đang tích cực triển khai Chiến lược Ngũ Giác, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi trọng phát triển kinh tế tư nhân, phát triển hạ tầng chiến lược kết nối với Việt Nam…, Thủ tướng Hun Manet khẳng định Chính phủ Campuchia sẽ nỗ lực, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Việt Nam; khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia nhiều hơn nữa, đặc biệt là những lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến thực phẩm, Công nghệ Số, tài chính, sản xuất xe hơi…
Về phần mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá việc tổ chức Diễn đàn, góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh; đóng góp vun đắp tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Thủ tướng Hun Manet đã đến thăm Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đến văn hoá, thúc đẩy ngoại giao nhân dân; nhất trí cao với ý kiến của Thủ tướng Hun Manet tại diễn đàn; cho rằng bài phát biểu đã góp phần tăng thêm nội lực, truyền cảm hứng, tạo động lực cho các nhà đầu tư hai nước.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia trải qua nhiều thăng trầm, đột phá và đang phát triển rất tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại chưa tương xứng tiềm năng hai nước vốn có; dư địa còn nhiều.
Do đó, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, thúc đẩy thương mại vào hai nước, không chỉ vì sự trưởng thành, phát triển của các doanh nghiệp mà góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp gữa hai dân tộc; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng và phát triển mỗi nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hai nước ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam tập trung thực hiện 3 trụ cột là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó, thực hiện 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ. Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp cùng với Chính phủ hai nước tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự hấp dẫn, sức cạnh tranh trong khu vực để cùng nhau xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; chấp hành nghiêm pháp luật hai nước; đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định, bảo vệ môi trường và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả; luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư để điều chỉnh, cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, hoàn chỉnh quản trị tốt đẹp hơn.
Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” Thủ tướng mong muốn hai bên đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn, nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa vì đất nước Campuchia, Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân hai nước.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet đã chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, các biên bản thoả thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ gồm Chứng nhận mở đường bay thẳng Hà Nội-Siem Reap cho Hãng hàng không Vietjet; Biên bản ghi nhớ cung cấp tín dụng giữa Ngân hàng Quân đội tại Campuchia và Công ty KNN, Công ty Mekong Land Development; Biên bản ghi nhớ về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Tập đoàn CT Group và Công ty Angkor Sok Sen Chey./.